Dù đã được các thành viên Hội đồng Khoa học thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lần 2 tại cuộc họp thẩm định kỹ thuật vào tháng 11- 2012 chỉ ra nhiều lỗ hổng nhưng theo nhiều chuyên gia, báo cáo ĐTM làm lại đến lần 3 vẫn không giải quyết được các tác động tiêu cực mà 2 dự án này gây ra cho “báu vật” Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Chia cắt hệ sinh thái
“Việc thích ứng có thể xảy ra với một vùng địa lý nào đó nhưng ngược lại, đối với VQG Cát Tiên - nơi làm nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học - thì các tác động này sẽ là nguy cơ bởi thủy vực nước chảy bị thay thế bằng thủy vực nước tĩnh, đường di cư và ổ sinh thái của các loài bản địa bị chia cắt, cộng thêm áp lực cạnh tranh của loài ngoại lai. Đây là một nhận thức rất sai lệch về sinh thái bảo tồn” - TS Thuyên nhận xét.
Một thiếu sót cơ bản nữa là chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai) chưa làm rõ tác động của khu vực dự án đến các vùng sinh thái nhạy cảm theo Thông tư 26 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (quy định chi tiết một số điều trong Nghị định 29 của Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường). Báo cáo ĐTM làm lại lần thứ ba chỉ đề cập Bàu Sấu là chưa đủ.
Bên cạnh đó, do quan niệm có thể tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên nên cơ sở các giải pháp được chủ đầu tư đưa ra là “bảo tồn thay thế”. Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa được thực hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đối với các hệ sinh thái tự nhiên và giới khoa học cho đến nay cũng chưa giải quyết được. Vì thế, các giải pháp báo cáo ĐTM đưa ra sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của bảo tồn đa dạng sinh học mà chỉ là bảo tồn một số loài.
Theo đánh giá của TS Lê Xuân Thuyên, nhóm thực hiện ĐTM chưa nắm vững cũng như chưa thực hiện đúng những yêu cầu - hướng dẫn về pháp lý đối với một ĐTM, hạn chế về chuyên môn sinh thái khi cần phải giải quyết các vấn đề liên quan đến đối tượng này, thiếu tính chuyên nghiệp trong thực hiện điều tra nghiên cứu.
Số liệu bất nhất
Theo TS Đào Trọng Tứ - cố vấn Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, thành viên Hội đồng Thẩm định báo cáo ĐTM 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A - ĐTM lần 3 mà chủ đầu tư vừa trình Bộ Tài nguyên và Môi trường dày hơn 2 lần trước và cũng đưa thông tin về thiết kế cơ sở, kỹ thuật dự án nhiều hơn. Còn các tác động về môi trường, sinh thái cơ bản vẫn chưa được phân tích, làm rõ theo yêu cầu của hội đồng khoa học trong lần thẩm định đầu tiên.
“Trong cùng một báo cáo của một dự án, cùng một số liệu nhưng lúc thế này, lúc thế khác. Ví dụ, ĐTM thủy điện Đồng Nai 6A, khi thì nhu cầu thuốc nổ 329,01 tấn, khi thì chỉ còn 129,68 tấn. Hay nói về hiện trạng rừng dự án, chủ đầu tư cho biết văn bản thẩm định năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thì trữ lượng gỗ là 3.517 m3, lồ ô 130.065 cây nhưng sau đó, phần tổng hợp trữ lượng gỗ và lồ ô thì đã “rơi mất” 1 m3 gỗ và 107.740 cây lồ ô, chỉ còn 3.516 m3 gỗ và 22.325 cây lồ ô…” - ông dẫn chứng.
“Tôi rất nghi ngờ các đánh giá của đơn vị lập ĐTM bởi số liệu đầu vào không nhất quán thì làm sao cho ra kết quả đúng được?” - TS Đào Trọng Tứ nói. Vả lại, bản chất của tất cả các tác động từ 2 dự án thủy điện này đến môi trường là không thể khôi phục. Vì thế, theo TS Đào Trọng Tứ, có làm lại báo cáo ĐTM đến lần thứ “n” vẫn không đạt!
(*) Xem Báo Người Lao Độngtừ số ra ngày 28-8
Kỳ tới: Chối bỏ tính pháp lý
Số liệu nhảy múa Theo nhận xét của TS Đào Trọng Tứ, các tính toán về tác động môi trường đều phải dựa vào thiết kế cơ sở của dự án. Tuy nhiên, ĐTM của 2 dự án này mỗi lần lấy một số liệu khác nhau. Thậm chí, ngay chính trong một bảng ĐTM, số liệu cũng không thống nhất. So sánh vài số liệu trong báo cáo ĐTM lần 2 và lần 3 |
Bình luận (0)