Trước đó, vào tháng 5-2015, cả trăm hộ dân ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng kéo đến ngăn cản thi công đường cao tốc này do nhà họ bị nứt vì nổ mìn xây hầm (thuộc dự án) nhưng được đền bù quá rẻ mạt, có hộ chỉ nhận 1.700 đồng, không đủ tiền uống ly trà đá!
Vụ ở xã Tam Ngọc gay gắt hơn. Họ đưa cả quan tài lên mặt đường và trong buổi đối thoại với cơ quan hữu trách sau đó, có người còn chít khăn tang, mặc áo xô trắng, trông thật nghiệt ngã!
Màu khăn xô tang tóc ấy một mặt thể hiện sự bức xúc cùng cực của cư dân, một mặt tạo thêm sức ép với bên thực thi công vụ.
Dùng quan tài để phản đối thu hồi đất bất hợp lý và đền bù không thỏa đáng diễn ra khá phổ biến, trong năm nay và vài năm trước từng có ở Kiên Giang, Hậu Giang, Nghệ An... Kết cục chung là cơ quan hữu trách nhận sai hoặc nhượng bộ, đáp ứng đòi hỏi của bên khiếu nại.
Giải quyết mâu thuẫn phải bằng lý lẽ trên cơ sở luật pháp chứ không phải bằng những phương tiện khác, ví như cỗ quan tài. Khi người dân đòi được quyền lợi bằng quan tài thì mỗi khi xảy ra xung đột lợi ích, họ lại dùng đến nó như một cứu cánh. Người này dùng quan tài và được chuyện thì người khác rất dễ theo đó mà làm. Đây là điều hoàn toàn không nên để xảy ra.
Trong một xã hội có tổ chức, không ai ủng hộ hình thức phản đối như vậy. Nhưng người dân bị đẩy tới chỗ làm sai là vì tiếng kêu than trước đó của họ đã không được lắng nghe. Sau khi người dân phản đối, chính quyền huyện Duy Xuyên và TP Tam Kỳ đều nhận thiếu sót, cùng thừa nhận giá đền bù không thỏa đáng và hứa khắc phục. Ở một số tỉnh - thành khác, lực lượng hữu trách cũng phải dừng tay, xem xét lại thấu đáo. Phải chi chính quyền địa phương cầu thị, giải quyết khiếu nại có lý có tình ngay từ đầu thì đã không đẩy sự việc đến mức tức nước vỡ bờ, gây mất an ninh trật tự xã hội, rộng hơn là làm suy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền.
Mới đây, người dân đã bao vây trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), chặn xe đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, nhờ ông gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông Vận tải vì trạm này thu phí quá cao, chỉ đi một đoạn ngắn cũng phải nộp phí. Hóa ra, tỉnh Hòa Bình đã từng kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải về việc này nhưng chưa được quan tâm. Cũng may, người dân biết nhờ đại biểu Quốc hội để quá giang nguyện vọng của mình chứ nếu hành xử tiêu cực - như diễu quan tài ở một số nơi - thì vụ việc sẽ thêm tồi tệ.
Một số vụ phản ứng kể trên đủ cho thấy tình trạng cán bộ xa dân, quan liêu và hành xử tùy tiện vẫn còn khá phổ biến. Biết đến bao giờ các “công bộc” mới làm tròn nghĩa vụ “đầy tớ” của mình!
Bình luận (0)