Chiều 31-3, UBND tỉnh Khánh Hòa có cuộc gặp các phóng viên để cung cấp thông tin liên quan đến “Khu du lịch trái phép trên đỉnh Hòn Bà” (Báo Người Lao Động cùng ngày đã có bài phản ánh).
Chủ tịch tỉnh “không biết các công trình xây trái phép”
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc này, bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc kinh doanh du lịch trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hòn Bà của Công ty CP Yasaka Sài Gòn - Nha Trang (Công ty Yasaka) không thông qua sở này.
Ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, cũng khẳng định sở không hề cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Yasaka đầu tư và kinh doanh tại khu du lịch Hòn Bà - Yersin trong vùng lõi của Khu BTTN Hòn Bà. “Họ làm bằng một thủ tục khác” - ông Nam nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi “thủ tục khác” là thế nào, ông Nam chỉ cười: “Thế mà họ làm được!”.
Về việc xây dựng 5 bungalow và khu nhà hàng, chỗ nghỉ cho khách du lịch mà ông Đống Lương Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Yasaka, thừa nhận không xin phép vì biết có xin phép cũng không ai cấp do nằm trong rừng đặc dụng, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho rằng tất cả công trình xây dựng dạng này đều phải xin phép. Không xin phép là sai quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 29-6-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa từng kiểm tra các công trình đầu tư du lịch trái phép trên đỉnh Hòn Bà nhưng không hiểu vì sao vẫn cho phép Công ty Yasaka đầu tư du lịch tại đây. Trả lời về việc này, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng khi kiểm tra, ông không hề biết các công trình này xây dựng trái phép và cũng không biết nhà đầu tư bị xử phạt trước đó.
“Lúc đó, tôi thấy các công trình này đã có rồi, rừng không bị phá mới cho phép về chủ trương xây dựng. Chỉ là chủ trương vì chúng tôi đã yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn tất các thủ tục theo đúng pháp luật. Đến nay, họ không hoàn tất các thủ tục thì phải xử lý” - ông Vinh giải thích.
Ông Vinh cho biết ngay hôm nay (1-4), UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra toàn diện khu du lịch Hòn Bà - Yersin và sẽ xử lý kịp thời để trả lời chính thức cho báo chí vào đầu tuần tới.
Chực chờ xây dựng cáp treo
Không chỉ Công ty Yasaka xây dựng trái phép một khu du lịch trên đỉnh Hòn Bà, nơi đây đang là “miếng bánh béo bở” được nhiều doanh nghiệp dòm ngó.
Theo ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, tại Khu BTTN Hòn Bà, UBND tỉnh đang có chủ trương nghiên cứu một dự án cáp treo. Nhà đầu tư của dự án này là Công ty CP Đầu tư du lịch Hòn Bà.
Về vấn đề này, bà Phan Lan Anh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hòn Bà, xác nhận tháng 8-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương cho nghiên cứu xây dựng cáp treo. “Nhưng chỉ mới là chủ trương, còn phải lập đề án nghiên cứu rồi trình các sở, ngành. Sau khi có sự thống nhất rồi mới trình UBND tỉnh. Đến đây, UBND tỉnh sẽ căn cứ dự án gồm bao nhiêu hecta mới thuộc thẩm quyền tỉnh quyết, bao nhiêu hecta thì phải gửi đến Thủ tướng Chính phủ có ý kiến. Trước khi Thủ tướng có ý kiến cũng phải lấy ý kiến của các bộ. Còn nếu diện tích ở một mức độ nào đó thì phải lên đến Quốc hội” - bà Lan Anh diễn giải.
Theo ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, trước đó, nhiều nhà đầu tư đã muốn “nhảy” vào Khu BTTN Hòn Bà để xây dựng cáp treo làm du lịch. “Ban đầu thì Công ty CP Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa làm, sau có một tập đoàn cũng xin làm nhưng vì trúng Khu BTTN nên cuối cùng không được” - ông Nam cho biết.
Đề cập vấn đề môi trường của Khu BTTN Hòn Bà dễ bị xâm hại nếu cho xây dựng cáp treo, ông Lê Đức Vinh cho biết đây là chủ trương của... nhiệm kỳ trước. “Chỉ mới là chủ trương nghiên cứu thôi, phải được xem xét kỹ. Nhà đầu tư phải có phương án cụ thể” - ông Vinh nói.
“Quan trọng là không phá”
Trước năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho xây dựng một con đường trải nhựa dài gần 40 km từ chân núi, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh lên đỉnh Hòn Bà. Theo ông Lê Đức Vinh, tỉnh làm con đường này vì muốn phát triển du lịch. “Bảo tồn thì bảo tồn nhưng phát triển vẫn phải phát triển. Nếu không có con đường thì không ai lên khu di tích nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin. Mình giữ nhưng phải nghĩ giữ để làm gì. Cái quan trọng là không phá, phát huy nhưng không để mất rừng” - ông Vinh lý giải.
Bình luận (0)