GS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM:
Tăng cường tự chủ đại học
Sức ép hội nhập quốc tế cũng như sức ép cạnh tranh khiến cho trường ĐH ngày nay phải dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề quản trị. Đơn giản, quản trị hiệu quả có tác dụng duy trì và củng cố các nguồn lực, tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, qua đó củng cố uy tín, danh tiếng của nhà trường.
Quản trị hữu hiệu đòi hỏi trước hết sự thừa nhận tính chủ động và quyền phát huy tính chủ động của cơ sở đào tạo trong hoạch định và thực hiện chiến lược phát triển cũng như trong việc đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến việc thực hiện các chức năng của mình.
Rõ hơn, trường ĐH cần được trao quyền tự chủ rộng rãi để có thể xây dựng và triển khai cơ chế quản trị phù hợp với các mục tiêu tồn tại và phát triển. Đứng trước những vấn đề gắn với sự tồn vong của mình, chẳng hạn ngành đào tạo, trình độ được đào tạo, học phí…, trường ĐH cần được tự do suy nghĩ, tất nhiên là vẫn trong khuôn khổ chuẩn mực chung, đặc biệt là theo luật pháp để lựa chọn phương án giải quyết được cho là tối ưu, đáp ứng được sự đòi hỏi, kỳ vọng của các bên có liên quan.
Chủ trương của bộ chủ quản về việc tăng cường tự chủ ĐH đồng thời đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng tại trường ĐH là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung. Tự chủ ĐH và bảo đảm chất lượng là 2 nhân tố có mối quan hệ tác động qua lại thúc đẩy sự phát triển bền vững của cơ sở đào tạo. Bảo đảm chất lượng để có được sự tín nhiệm của xã hội, là điều kiện cơ bản để thu hút các nguồn lực cho phép củng cố sự tự chủ; sự tự chủ càng cao càng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đào tạo chủ động và linh hoạt trong giải quyết những vấn đề đặt ra trong khuôn khổ xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.
TS TÔ VĂN TRƯỜNG, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam:
Môi trường sẽ rất “nóng”
Trái đất nóng lên thì vấn đề môi trường ở Việt Nam năm 2017 cũng sẽ “nóng” theo. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ bảo vệ môi trường còn khá phổ biến. Hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, khoa học - công nghệ, môi trường còn thiếu đồng bộ; quy hoạch môi trường chậm được ban hành… Trong khi đó, ô nhiễm đất, nước diễn ra hầu như khắp nơi. Ngoài ra còn nguy cơ ô nhiễm khó ngăn chặn do yếu tố ngoại là Trung Quốc vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân sát biên giới trên đất liền và trên biển.
Trước tình hình đó, yêu cầu hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đưa ra các công cụ phù hợp cho các giai đoạn đầu tư từ phòng ngừa trong giai đoạn chuẩn bị đánh giá tác động môi trường đến kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của dự án (hiện đang có khoảng trống) là điều cần sớm thực hiện. Các mâu thuẫn giữa Luật Bảo vệ môi trường với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đã và đang được rà soát và sẽ thống nhất trong năm 2017, tạo tiền đề để giải quyết nhiều vấn đề đang vướng mắc và đồng bộ hóa các quy định về phát triển và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trực thuộc các bộ, ngành và địa phương trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường cần chặt chẽ và thường xuyên hơn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để kiểm soát, ngăn ngừa chủ động nguy cơ ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.
GS NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài:
Chọn lọc kỹ dự án FDI
Trong năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 24,3 tỉ USD; trong đó, vốn giải ngân hơn 15,8 tỉ USD là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước tới nay. Trong năm 2017, triển vọng thu hút vốn FDI tiếp tục lạc quan khi nhiều tổ chức tài chính, hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Khoảng 60%-65% DN FDI được hỏi trong các khảo sát đều nhận định sẽ mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. So với các quốc gia trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế nhờ kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định, tốc độ tăng GDP ở mức cao...
Hiện khu vực FDI với khoảng 20.000 DN đang đóng góp cho nền kinh tế khoảng 20% tổng thu ngân sách và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu nên theo tôi, không thể nói đóng góp của khu vực này chưa nhiều. Trong chuyện đóng góp của khu vực FDI, cũng không nên định hướng lại vì thực chất chúng ta đã có những định hướng rất rõ ràng về việc thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Có điều, phải làm sao chọn lựa được dự án FDI chất lượng, phát triển “xanh”, bền vững.
Bà ĐINH THỊ MỸ LOAN, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam:
Ngành bán lẻ cần được tiếp sức
Kinh tế 2017 được dự báo sẽ ổn định và khởi sắc. Cộng đồng DN rất kỳ vọng Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo sẽ có những chính sách thiết thực để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Năm 2016, ngành bán lẻ đã phát triển rất mạnh, triển vọng 2017 sẽ tiếp tục có thêm 1 năm sôi động. Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đổ vốn vào. Việt Nam có dân số đông, sức mua đang cải thiện, dư địa thị trường còn rộng… nên cực kỳ thu hút đầu tư lĩnh vực này. Cạnh tranh trong ngành vì thế rất cao, các DN cần phải nỗ lực nâng cao nội lực của mình mới có thể đứng vững được trên thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đang mở cửa tối đa theo tiến trình hội nhập, sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, các DN bán lẻ nội địa đang cố gắng hết sức để khẳng định vị thế nhưng như thế vẫn chưa đủ mà rất cần sự tiếp sức của nhà nước thông qua những chính sách hợp lý cho các ngành bán lẻ phát triển đúng định hướng.
Hiệp hội và các DN bán lẻ rất mong mỏi có sự thay đổi cách nhìn về vai trò, vị trí của ngành bán lẻ. Phải coi ngành dịch vụ bán lẻ là một trong những ngành nghề độc lập được ưu đãi đầu tư. Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đầu tư đã đưa một số loại hình bán lẻ như trung tâm thương mại, siêu thị và chợ vào danh sách được ưu đãi đầu tư, chúng tôi mong muốn mở rộng phạm vi được ưu đãi đầu tư ra tất cả các loại hình dịch vụ bán lẻ cả truyền thống lẫn hiện đại - trừ bán lẻ trực tuyến. Song song đó, tăng cường cải cách hành chính về thuế, phí; hy vọng thuế thu nhập DN tiếp tục điều chỉnh xuống mức 18%. Cuối cùng, đề nghị nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ cho việc phát triển nguồn nhân lực bán lẻ.
Ông PHAN DŨNG KHÁNH, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng:
Vốn ngoại chi phối thị trường chứng khoán
VN-Index trong năm 2017 sẽ ở mức 800-850 điểm với thanh khoản trung bình năm 2017 tương đương với 2016, là từ 2.000 tỉ đến 3.000 tỉ đồng/phiên cho cả 2 sàn. Khả năng khối ngoại sẽ bán ròng và dòng tiền khối ngoại sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong năm nay.
Từ giữa năm 2016 đến nay, khối ngoại có dấu hiệu bán ròng liên tục. Việc quay lại mua ròng chỉ được vài phiên gần cuối năm nhưng không có gì chắc chắn cho thấy khối ngoại giảm động thái rút vốn. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến đồng USD tăng giá, FED tăng lãi suất với tần suất cao… cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn không lường trước được trong năm 2017 này. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lướt sóng cổ phiếu giá nhỏ có thể kiếm được lợi nhuận trong năm 2017 nhưng sẽ không hợp khẩu vị với các nhà đầu tư trung và dài hạn vì họ không chấp nhận rủi ro cao. Các nhóm cổ phiếu hấp dẫn sẽ là hàng không, dược, công nghệ và giáo dục… Dòng tiền năm 2017 sẽ có xu hướng tìm kiếm những ngành nghề tiềm năng hơn và còn định giá ở mức thấp. Đặc biệt, các DN có nền tảng cơ bản tốt, không có nợ xấu và dòng tiền luôn dương là các cổ phiếu tốt để nhà đầu tư quan tâm và có thể gửi niềm tin.
Bình luận (0)