Sáng 31-1 (mùng 1 Tết), đoàn lãnh đạo TP HCM do ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP - dẫn đầu đã đến thăm hỏi công nhân đang làm việc tại cầu Lê Văn Sỹ (quận 3), cầu Bông (quận Bình Thạnh) và cầu Hậu Giang (quận 6) - những cây cầu huyết mạch của thành phố.
Làm việc suốt ngày đêm
Thay mặt lãnh đạo TP HCM, ông Lê Thanh Hải gửi lời chúc Tết, tặng quà cho công nhân tại các công trường, đồng thời động viên họ cố gắng làm việc để công trình sớm hoàn tất, đưa vào phục vụ người dân. “Lãnh đạo thành phố rất biết ơn các anh chị đã hy sinh việc đoàn tụ với gia đình để thi công công trình kịp tiến độ” - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Trước đó, để các công trình cầu huyết mạch này sớm hoàn tất, lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo Sở GTVT yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, thi công kể cả các ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014.
Tại công trình cầu Bông, hơn 60 công nhân ngày đêm miệt mài lao động bất chấp Tết nhất. Theo ông Cao Hải Vân, chỉ huy phó quản lý kỹ thuật công trình Tổng Công ty Xây dựng số 1, đơn vị thi công cầu Bông, do mặt bằng hẹp nên mọi việc như vận chuyển, đóng cọc nhồi đều phải thực hiện vào ban đêm.
“Trong những ngày Tết, từ công nhân cho đến kỹ sư đều phải cật lực làm việc suốt ngày đêm. Ngoài ra, khoảng 20 công nhân làm nhiệm vụ phân luồng giao thông xung quanh công trình để việc đi lại của người dân được bảo đảm. Công trình huyết mạch mà, từ giám đốc cho đến công nhân đều không nghỉ Tết” - một kỹ sư cho biết.
Tại công trình cầu Lê Văn Sỹ, các kỹ sư và lãnh đạo đơn vị thi công cũng gần như có mặt suốt ngày đêm để chỉ đạo công nhân làm việc. Đến công trường này vào mùng 1 Tết, chúng tôi chứng kiến đông đảo công nhân, kỹ sư làm việc hối hả ngay từ sáng sớm. Nhiều người dù ở TP HCM nhưng hết ngày đầu năm mới vẫn không có thời gian về nhà đón Tết với gia đình, thắp hương cho ông bà, tổ tiên...
Theo ông Nguyễn Hồng Nội, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng 18 Thăng Long, chỉ huy trưởng công trình cầu Hậu Giang, Sở GTVT TP HCM đã yêu cầu đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ để đến dịp 30-4 sẽ thông xe. “Trong những ngày Tết, khoảng 40 công nhân, kỹ sư làm việc suốt ngày đêm. Ngoài ra, để công trình có thể hoàn tất trong thời gian sớm nhất, công ty đã thực hiện nhiều mũi thi công khác nhau” - ông Nội cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP HCM, trong những ngày Tết, tại 3 công trình nêu trên có khoảng 250 công nhân, kỹ sư chấp nhận xa gia đình, ở lại công trường để làm việc.
Vợ chồng cùng ở lại
Anh Nguyễn Minh Tuấn, công nhân Tổng Công ty Xây dựng số 1, tâm sự: “Tết thì ai chẳng mong sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, để công trình hoàn thành đúng tiến độ, cả vợ chồng tôi đều ở lại công trường. Trong những ngày Tết, vợ chồng tôi và nhiều công nhân khác đã làm việc, kể cả đêm giao thừa”.
Chị Nguyễn Thị Thanh, quê Nghệ An, cũng cùng chồng ở lại để xây dựng công trình cầu Hậu Giang. “Trước Tết, vợ chồng tôi đã dự định về quê đón năm mới cùng gia đình. Nhưng nghĩ lại, nếu ai cũng về thì lấy đâu người làm, thế là vợ chồng tôi quyết định đón Tết xa nhà. Cô Lài, bạn tôi, thấy chúng tôi vì công việc chung mà không về nhà nên cũng ở lại. Sau khi công trình hoàn tất, vợ chồng tôi sẽ về quê thăm gia đình bù cho những ngày Tết” - chị thổ lộ.
Gặp chúng tôi vào những ngày đầu năm mới, các công nhân làm việc tại cầu Bông cho biết lãnh đạo công ty vẫn tổ chức cho anh em đón Tết ngay tại nơi làm việc. “Do đó, dù xa nhà nhưng Tết năm nay vẫn vui, vẫn có bánh kẹo, nước ngọt, trà” - một nữ công nhân khoe.
Mùng 5 Tết, quay lại các công trường này, chúng tôi vẫn chứng kiến hình ảnh quen thuộc: Công nhân tất bật với công việc. Ngồi trên xe cẩu, một công nhân ở công trình cầu Bông phấn khởi: “Nếu cứ đà này thì đến tháng 6 tới, công trình sẽ hoàn tất, người dân khi lưu thông qua đoạn đường này sẽ không còn bị kẹt xe nữa”.
Bắt đầu đóng cầu Kiệu
Từ 6 giờ ngày 4-2 (mùng 5 Tết), Sở GTVT
TP HCM đã cho chặn và phá bỏ cầu Kiệu hiện hữu (nằm trên đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng) để xây mới. Khi đóng cầu Kiệu, Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị (chủ đầu tư dự án xây mới các cầu Bông, Kiệu, Lê Văn Sỹ, Hậu Giang) xây dựng 2 cầu tạm cho các loại xe lưu thông. Trong đó, 1 cầu tạm rộng 4 m dành cho xe 2 bánh đi từ quận Phú Nhuận qua 2 quận 1, 3; cầu tạm còn lại rộng 8 m để các loại xe đi từ 2 quận 1, 3 sang quận Phú Nhuận.
Do lộ trình di chuyển thay đổi nên Sở GTVT tiến hành điều chỉnh giao thông trong khu vực. Cụ thể, xe 2 bánh đi từ quận Phú Nhuận qua 2 quận 1, 3 di chuyển theo lộ trình: Phan Đình Phùng - hẻm 41 Phan Đình Phùng - Trường Sa - cầu tạm 1 (1 chiều xe 2 bánh) - Hoàng Sa - hẻm 475 Hai Bà Trưng - Hai Bà Trưng.
Các loại xe dưới 16 chỗ ngồi và xe tải dưới 3,5 tấn đi từ hai quận 1, 3 qua quận Phú Nhuận theo lộ trình: Hai Bà Trưng - Hoàng Sa - cầu tạm 2 (lưu thông 1 chiều) - Trường Sa - Phan Đình Phùng. Lộ trình dành cho xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ ngồi: Quận 1, 3 - Hai Bà Trưng - Trần Quang Khải - hẻm 68 - cầu Hoàng Hoa Thám - đường số 11 - Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu - quận Phú Nhuận.
Theo Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị, tổng kinh phí xây dựng cầu Kiệu là 115 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Hiện tại, việc thi công các cầu Bông, Lê Văn Sỹ, Hậu Giang đang tiến triển rất tốt. UBND TP HCM đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành cả 4 cầu trên vào giữa năm 2014. A.Nguyệt
Bình luận (0)