xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đón Xuân biên giới

Bài và ảnh: Mạnh Duy

“Ở lại”, đó là một mệnh lệnh từ trái tim của những người lính quân hàm xanh ngày đêm canh giữ biên cương. Ở lại, họ không chỉ đón một mùa Xuân cho riêng mình mà còn để cảm nhận mùa Xuân chung của cả đất nước

Với lính biên phòng, bám chốt, cắm bản, sống với dân là công việc thường ngày. Đồn A Mú Sung (huyện Bát Xát - Lào Cai), nơi chúng tôi có mặt những ngày cận Tết này, cũng không phải là ngoại lệ. Có lẽ chỉ có một điều khác biệt, bởi nơi đây là điểm khởi đầu của dòng sông Hồng trên đất Việt Nam và cũng ít giống với bất cứ đồn biên phòng nào khác: Ngay cạnh đồn A Mú Sung có một đài tưởng niệm những liệt sĩ đã nằm lại nơi này để giữ gìn biên cương Tổ quốc!

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Đồn Biên phòng A Mú Sung cách TP Lào Cai gần 60 km về hướng Tây Bắc, quản lý 16,9 km đường biên giới cùng 4 cột mốc, trong đó có cột mốc quan trọng phân định điểm bắt đầu khi con sông Hồng mang “quốc tịch” Việt Nam. Ai đã men theo con đường giáp biên, một bên là đất mẹ thiêng liêng, bên kia là nước láng giềng Trung Quốc để lên với A Mú Sung và Lũng Pô cũng đều có nhiều cảm xúc tự hào khó tả.

img
Canh giữ cột mốc chủ quyền thiêng liêng ở Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát - Lào Cai

 
Vừa đến đồn A Mú Sung, Trung tá - Đồn trưởng Phạm Ngọc Xướng khoe: “Chúng tôi đã kiếm được một cành đào rừng và đang chuẩn bị lá dong gói bánh. Lính biên phòng chúng tôi đã xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con dân tộc là anh em ruột thịt nên dù ăn Tết tại đồn hay về nhà thì mọi người cũng đều có cảm giác ấm cúng như đang ở với gia đình. Ở lại đồn, chúng tôi cũng có một cái Tết tươm tất với đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Tết này, chúng tôi bảo đảm 70% quân số trực sẵn sàng chiến đấu ở đồn”.

Đồn A Mú Sung đang chuẩn bị hai nồi rất to để luộc bánh chưng ngay tại sân. 100 chiếc bánh chưng làm từ chính hạt gạo nếp do chiến sĩ đồn gieo cấy mang hương vị đặc biệt hơn hẳn. “Đồn chúng tôi tăng gia đủ các loại thực phẩm từ gà, bò, lợn, vịt, ngan cho đến rau xanh” - trung tá Xướng tự hào kể. Vị đồn trưởng tâm sự rằng kể cả khi có “khách quý là nhà báo” hay vinh dự được đón các đoàn khách Trung ương thì đồn luôn thết đãi bằng chính những thực phẩm “xanh, sạch” được các chiến sĩ làm ra. Với 50 con bò nuôi lấy thịt, A Mú Sung thuộc hàng ngũ những đồn biên phòng giỏi tăng gia nhất trong lực lượng biên phòng.

Từ 26 tháng chạp đến mùng 7 Tết, Đồn Biên phòng A Mú Sung bắt đầu duy trì chế độ trực Tết, tăng cường cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu.
Chuyện kể bên bia liệt sĩ 

Đến Đồn Biên phòng A Mú Sung không ai quên kính cẩn nghiêng mình trước anh linh 28 liệt sĩ. Tấm bia liệt sĩ đặt gần đồn còn khắc đầy đủ họ tên, quê quán, năm sinh và năm mất của những chiến sĩ quân hàm xanh đã ngã xuống để bảo vệ biên cương. Trong số 30 người lính ngã xuống miền biên cương này, có 24 người hy sinh năm 1979, 5 người hy sinh năm 1984 và 1 người hy sinh năm 1985. Người ngã xuống gần đây nhất là trung úy Trần Văn Duẩn, quê ở Nghĩa Hưng - Nam Định, hy sinh ngày 16-2-2011.

Đồn trưởng Phạm Ngọc Xướng kể: “Trước đây đường lên A Mú Sung khó khăn lắm, thiếu thốn đủ thử. Có người như anh Lương Quốc Cầm (nguyên đồn phó) đã mất vì sốt rét ác tính do đồn cách quá xa trung tâm y tế. Với trung úy Trần Văn Duẩn, chúng tôi đang đợi quyết định công nhận liệt sĩ rồi sẽ khắc tên vào tấm bia này”.

Chuyện anh Duẩn hy sinh vẫn làm nhiều cán bộ, chiến sĩ trong đồn không khỏi xót xa khi nhắc lại. Nỗi đau với đồn A Mú Sung còn quá lớn khiến nhiều người vẫn chưa thể tin là người đồng đội có nụ cười tươi rói của họ đã ra đi. “Đêm 16-2-2011, khi nghe tin có tàu lạ xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, trung úy Duẩn đã cùng một nhóm dân quân du kích lên đường ngăn chặn. Khi nhìn thấy tàu lạ, anh Duẩn lập tức nhảy xuống sông để ngăn chặn, tuy nhiên, lúc ấy nước bất ngờ chảy xiết nên anh bị cuốn trôi. Đến sáng hôm sau, chúng tôi mới tìm thấy thi thể đồng đội của mình” - Đồn trưởng Phạm Ngọc Xướng kể.

Là đội trưởng đội vũ trang của đồn A Mú Sung, trung úy Duẩn nổi tiếng dũng cảm, can trường và không ngại lao vào những nơi khó khăn, hiểm nguy. Vợ anh Duẩn, cô giáo Nguyễn Vân Chi, đã quyết ở lại mảnh đất nơi chồng mình ngã xuống và tiếp tục sự nghiệp gieo con chữ, đem lại ánh sáng văn hóa cho bà con dân bản. Trung úy Duẩn hy sinh để lại đứa con mới hơn 1 tuổi mà anh đặt tên là Trần Bảo Nam. Lúc sinh thời, anh hay kể với chiến sĩ và đồng đội rằng: “Bảo Nam nghĩa là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Xuân này, trung úy Duẩn vắng bóng ở mảnh đất mà anh gắn bó và coi như quê hương thứ hai nhưng có lẽ tâm hồn anh, lý tưởng và thân xác anh vẫn nằm lại dưới dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa kia giữ gìn vẹn nguyên từng tấc đất quê hương. Tấm bia khắc tên những người ngã xuống miền biên viễn chính là lời hứa “ở lại” của những người lính biên thùy.
Đất đã hóa tâm hồn

Đến cột mốc 92 (1) tại xóm Lũng Pô, thượng nguồn sông Hồng, các chiến sĩ cắm chốt ở đây tâm sự Tết này họ sẽ đón giao thừa ngay tại nơi mà chúng tôi đứng chân. Thiếu úy Nguyễn Anh Thế và thiếu úy Triệu Tiến Ngân, đều là những chàng trai trẻ vừa tròn 30 tuổi, sẽ gác lại niềm hạnh phúc mà ai cũng muốn có là được sum họp với gia đình và người thân để “đón Xuân chung cùng bà con dân bản”.
 
Các anh đều mới có con nhỏ và Nhâm Thìn là Tết đầu tiên kể từ khi gia đình đón thêm thành viên mới. Thiếu úy Nguyễn Anh Thế tâm sự: “Ở lại đồn, chúng tôi được ăn Tết với bà con, đó cũng là một trải nghiệm thú vị. Vợ tôi có lẽ cũng hiểu và thông cảm cho công việc của chồng”.

Các anh khuyên chúng tôi xuống đoạn sông cạn nước lấy một viên sỏi ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt về làm chặn giấy. Mang theo viên sỏi về thủ đô mới hay đâu cần phải khi đi thì đất mới hóa tâm hồn. Ngay khi các anh đóng chốt ở đây, đất đã hóa tâm hồn vì cả những người đã nằm xuống lẫn những người đang chắc tay súng luôn xác định bảo vệ Tổ quốc vừa là vinh dự vừa là trọng trách.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo