Cùng với nhiều hạng mục của dự án Nâng cấp đô thị TP HCM, dự án Cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài hơn 7 km đang dần chạm đích.
Cứ tưởng trong mơ!
Trước đây, kênh Tân Hóa - Lò Gốm là cống thoát nước khổng lồ, tiếp nhận nước thải từ khắp nơi đổ về. Tuy mang tiếng là kênh nhưng do xây dựng, chiếm dụng mặt nước, xả thải, vứt rác, dòng kênh chỉ chảy lờ đờ. Mặt kênh đầy rác, thường có xác mèo, chuột chết trôi lềnh bềnh. Đây là lò sinh sản của muỗi, chuột - nguồn gây bệnh sốt xuất huyết, dịch hạch cho người dân. Thế nhưng, giờ đây, nỗi ám ảnh về dòng kênh đen hôi thối đã không còn, thay vào đó là niềm vui khi dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm đang dần về đích với những công đoạn cuối cùng để người dân kịp đón Tết.
Trước hết, phải ghi nhận công lao của đội ngũ thi công dự án đã hoàn thành cơ bản việc cải tạo dòng kênh kịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Đoạn kênh từ đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) dài hơn 3 km đã được thay bằng cống hộp, bên trên là đường nhựa, 2 hành lang được trồng cây xanh. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Huê (ngụ số 289 kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) cho biết: “Tôi cứ nghĩ là mơ khi phía trước mặt nhà mình là con kênh hôi thối đã không còn mà thay vào đó một con đường lớn. Gần 30 năm, gia đình tôi sống ở đây phải chịu cảnh hôi thối, đi lại khó khăn. Từ khi dự án cải tạo kênh hoàn thành, đưa vào sử dụng, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi hẳn. Có lẽ đây là cái Tết vui nhất trong 30 năm qua vì không phải chịu cảnh hôi thối, chuột, muỗi…”.
Chung tâm trạng, bà Trần Thị Kim Lan (ngụ số 10 kênh Tân Hóa) cũng chia sẻ niềm vui khi chứng kiến dòng kênh đen, hôi thối nay đã thay da đổi thịt. “Dòng kênh đen được thay bằng con đường lớn, nỗi ám ảnh giờ chỉ còn trong tâm tưởng mà thôi. Có đường lớn đi qua, nhà nào cũng ra mặt tiền nên liền xây mới hoặc sửa sang để đón Tết” - bà Lan hồ hởi.
Đoạn từ khu vực Đầm Sen đến kênh Tàu Hũ với bờ kè bê-tông 2 bên cũng sắp hoàn thành, chỉ còn chỉnh trang. Nhiều khoảng không được thiết kế kiểu công viên nhỏ với hoa, cây xanh tạo thêm mỹ quan cho dòng kênh. Theo người dân khu vực này, giá nhà đất nơi đây tăng lên nhanh chóng; nhiều dịch vụ, hàng quán liên tục ra đời. “Đường ven kênh mở ra cơ hội buôn bán cho nhiều hộ dân” - một người dân nói.
Nhớ lại cảnh trước đây người dân phải sống chung với muỗi, chuột, ô nhiễm, ông Vi Văn Phi - tổ trưởng tổ dân phố khu phố 1, phường 11, quận 6 - cho biết cuộc sống nơi đây đã khác, ai cũng xây nhà mới đón Tết, mỗi lần đi họp dân phố người dân vui vẻ lắm. “Trước đây, mỗi lần họp tổ dân phố, bà con đều than tình trạng muỗi, chuột hoành hành, mùi hôi từ kênh bốc lên không chịu nổi. Rõ ràng sự đầu tư cải tạo của TP đã làm bộ mặt đô thị sang trang” - ông Phi nhận xét.
Không chỉ quận 6, người dân ở khu vực các quận Tân Phú, 11 - nơi con kênh đi qua - cũng phấn khởi, đón Tết vui hơn bao giờ hết. “Gia đình tôi 3 đời phải chịu cảnh ô nhiễm rồi, nếu không có dự án cải tạo kênh chắc con cháu cứ mãi sống chung với ô nhiễm. Khi bắt đầu triển khai xây dựng, phải chịu bụi bặm, tiếng ồn nhưng ai nấy tự bảo nhau mình chịu đựng mấy chục năm nay giờ thêm 1 năm để thay đổi cũng chẳng sao” - một người dân quận 11 thổ lộ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lương Thụy Thanh Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thạnh, cho biết từ khi dự án cải tạo kênh hoàn thành, cuộc sống người dân tốt hơn rất nhiều, nhà nào cũng được dùng nước sạch, tình hình dịch bệnh không còn. “Nay, bà con có thể đón Tết vui rồi!” - bà Vân nói.
Dự án Cải tạo tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Dự án gồm việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước cấp 1, 2; cải tạo kênh và hệ thống cầu; cải tạo hạ tầng xã hội. Hiệu quả là giải quyết chống ngập cho 19 km2 trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, ô nhiễm môi trường được khắc phục, lòng kênh mở rộng, khơi thông.
“Cất cánh” cùng cao tốc
Ngày 8-2, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư) cũng đã đưa vào khai thác toàn tuyến 55 km dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng vốn đầu tư 20.630 tỉ đồng. Đây là dự án nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TP HCM nối Quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và tỉnh Đồng Nai. Từ đây, người dân TP đi các vùng như Long Thành chỉ còn 22 km, mất 20 phút; đi Vũng Tàu chỉ còn 95km, mất khoảng 1 giờ 20 phút. Mặt khác, từ TP HCM đi ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1 - hướng ra phía Bắc) và hướng đi Liên Khương (lên khu vực Tây Nguyên) theo lộ trình cũ dài 70 km, lưu thông mất 3 giờ, thường xuyên ùn tắc thì nay rút ngắn được 20 km, đi lại chỉ còn 1 giờ, giảm 20%-30% chi phí vận tải. Nhiều người dân ngụ tỉnh Đồng Nai cho biết dự án được đưa vào khai thác đã tạo diện mạo mới cho vùng quê hẻo lánh, chỉ là những cánh đồng và rừng cao su bạt ngàn. “Chúng tôi như được khai sáng bởi tuyến đường này. Từ nay, việc đi lại đã rất thuận lợi, mọi sinh hoạt đều thay đổi theo hướng tích cực” - một người dân sống dọc tuyến cao tốc bày tỏ.
Cũng như vậy, một số khu vực đất hoang ở các quận 9, 2 của TP HCM nay đã được khai thác hiệu quả, người dân ở 2 bên đường có điều kiện phát triển kinh tế.
Trước đó, ngày 19-7-2014, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đã được khởi công xây dựng. Dự án có tổng chiều dài 57,1 km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1,607 tỉ USD, đi qua các huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An); Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP HCM); Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai). Dự án có 2 cầu lớn theo kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) kết nối Nhà Bè với Cần Giờ; cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) kết nối Cần Giờ với Nhơn Trạch. Dự kiến năm 2018, sau khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và Đông Nam Bộ không cần “quá cảnh” qua TP HCM. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp vào mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, sân bay quốc tế Long Thành, góp phần giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51; rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ Long An đến Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, phát huy hiệu quả hoạt động của các KCN, cảng biển tại các tỉnh - thành phía Nam. Bên cạnh đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với cao tốc TP HCM - Vũng Tàu (dự kiến), tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnom Penh (Campuchia) và TP HCM…
Tuyến đường kết nối
Ngày 14-2, dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (về sau đổi tên thành đường Phạm Văn Đồng) - một trong các tuyến xuyên tâm đường trục đô thị quan trọng bậc nhất của TP HCM - đã được thông xe đoạn cuối, tuyến từ nút Linh Đông đến nút giao Linh Xuân khiến người dân sống 2 bên tuyến đường vui mừng khôn xiết. “Năm nay, gia đình tôi đón Tết trong niềm vui lớn vì nhà cửa tươm tất, đường sá thông thoáng” - ông Trần Văn Khai (ngụ quận Thủ Đức - nơi có dự án đi qua) phấn khởi. Dự án trên là một thành phần của đường Vành đai 1, thuộc 1 trong 4 đường vành đai theo quy hoạch giao thông TP HCM đến năm 2020; đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức. Dự án băng qua sông Sài Gòn, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với Quốc lộ 1 tại nút giao Linh Xuân với tổng chiều dài 13,6 km. Ngoài ra, dự án kết nối các tuyến đường lớn, giúp giảm ùn tắc giao thông, đồng thời giữ vai trò là tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất thông qua Quốc lộ 13 đến các khu công nghiệp ở Bình Dương, mở đường cho sự phát triển trung tâm đô thị phía Bắc TP HCM.
Bình luận (0)