Nhằm tạo điều kiện cho người dân vui chơi, giải trí và đặc biệt là chào mừng Tết cổ truyền (Chôl Chnăm Thmây) của đồng bào Khmer, tối 10-4, tại chùa Soài So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đồng bào Khmer tỉnh An Giang lần thứ XI.
Lễ khai mạc ngày hội mang bản sắc độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ
Là địa bàn với số lượng cư dân Khmer hơn 80.000 người sinh sống, Ngày hội VH-TT&DL đã tạo ra một không gian văn hóa đậm đà bản sắc để đồng bào Khmer có dịp vui chơi, sinh hoạt và thưởng thức nhân dịp đón Tết cổ truyền. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 10 đến ngày 12-4, với rất nhiều hoạt động, như: Giao lưu múa hát; thi đấu các môn thể thao; các trò chơi dân gian; liên hoan ẩm thực Khmer… Đây cũng là dịp để thu hút khách du lịch đến tìm hiểu thêm về văn hóa Khmer.
Đông đảo người dân đến tham dự khai mạc ngày hội
Trước đó, vào ngày 27-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gửi thư chúc mừng đến toàn thể đồng bào Khmer nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Tết cổ truyền của người Khmer thường tổ chức khoảng đầu tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch) và kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày, tên gọi mỗi ngày tết khác nhau. Ngày đầu tiên có tên: Moha Songkran (Chôl Sangkran Chmây), ngày thứ hai có tên: Wanabat (Wonbơf), ngày thứ ba có tên: Tngai Laeung Saka (Lơm Săk), nếu năm nhuận cũng có tên là: Wonbơf.
Tham gia múa hát trong những ngày Tết
Trong các ngày này, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Thời gian có khi kéo dài hơn tuần mới trở lại cuộc sống thường nhật.
Tham gia thi ẩm thực và vui chơi, nhảy múa
Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Lễ Chôl Chnăm Thmây cũng là những ngày Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka… Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên Trời (Têvôđa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về Trời để vị thần khác xuống hạ giới. Những ngày này trở thành lễ hội truyền thống của cả cộng đồng Khmer. Họ tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn Trời, đốt ông lói, đánh quay lửa... Các cụ già kể cổ tích, thần thoại, chuyện cũ cho con cháu nghe.
Bình luận (0)