Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 8-6, nhiều người dân ở vùng lân cận bãi rác Đông Thạnh cho biết dù đã đỡ hơn trước nhiều nhưng ô nhiễm không khí từ bãi rác vẫn còn và ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Tại khu vực ấp 3, xã Đông Thạnh gần cầu Rạch Tra, mùi hôi vẫn bay vào nhà dân mỗi khi có gió. Bà Nguyễn Thị Bờ, một người dân sống lâu năm tại đây, bày tỏ: “Mùi hôi từ bãi rác luôn ám ảnh chúng tôi, cứ dai dẳng ngày này sang ngày khác, tối ngủ phải đóng kín cửa mới hết hôi”. Theo bà Bờ, trước đây, người dân phải chịu thêm mùi khói khét lẹt mỗi khi nhà máy đốt rác. Bây giờ tuy có đỡ hơn nhưng vẫn rất khó chịu.
Nhiều năm nay, một số người dân sống cạnh bãi rác phải mua nước đóng chai để sử dụng cho việc nấu nướng, ăn uống. Nhà họ có khoan giếng nhưng chỉ dùng để tắm giặt. “Đường ống nước máy kéo về còn cách nhà mấy trăm mét nên không dẫn vào nhà được. Nước giếng thấy vẫn trong nhưng nghe tin nhiều người bị bệnh nên không ai dám sử dụng. Đợt rồi, dân ở đây được đi khám bệnh miễn phí theo đề nghị của ông bí thư thành ủy nhưng giờ vẫn chưa biết kết quả thế nào. Cũng hồi hộp, không biết có bị gì không” - một người dân lo lắng.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hiệp, ngụ ấp 7, cho biết: “Lúc trời nắng thì không sao nhưng mỗi khi mưa lớn là mùi hôi lại bốc lên nồng nặc. Trước đây, người dân còn được ra vào bãi rác, giờ rào kín hết nên không biết người ta làm gì trong đó. Mong chính quyền cho ngưng hoạt động bãi rác này để người dân yên tâm sinh sống”.
Sống ngay sát bãi rác, chị Trần Thị Mỹ Nương lo ngại từng ngày. Gia đình chị chưa có điều kiện sử dụng nước sạch. “Giờ vẫn bơm nước dưới kênh lên lắng phèn để sử dụng. Sống ngay chân bãi rác nên mỗi khi mưa lớn, nước từ bãi rác chảy xuống tràn vào nhà. Người lớn thì không nói gì, lo là lo cho mấy đứa trẻ” - chị Nương ngao ngán. Hiện nay, số hộ sống dưới chân bãi rác như chị Nương vẫn còn rất đông.
Trước đây, người dân sống quanh bãi rác được hưởng tiền hỗ trợ độc hại hằng tháng từ 25.000-60.000 đồng/nhân khẩu, tùy vị trí gần hay xa bãi rác. Không hiểu sao từ năm rồi đến nay, khoản hỗ trợ này không được cấp nữa. “Vừa rồi, địa phương có kiểm kê nhân khẩu để chi trả lại tiền này. Tôi thỉnh thoảng bị viêm phế quản, ho hen, mỗi lần đi khám mất mấy trăm ngàn đồng nên nói thật số tiền trên chẳng đáng là bao” - bà Bờ nói.
Theo nhiều hộ dân nơi đây, mức trợ cấp này đã quá lạc hậu, tồn tại suốt mười mấy năm qua trong khi vật giá tăng từng ngày. “Người chết bị cắt trợ cấp đã đành nhưng nhiều trường hợp như trẻ con sinh ra sau này, dâu rể từ nơi khác về sống... cũng không được hưởng. Mong lần này nhà nước kiểm kê lại nhân khẩu cần phải cập nhật thêm nhiều trường hợp như thế để hỗ trợ công bằng, hợp lý cho bà con” - bà Trần Thị Hiệp đề xuất.
Bình luận (0)