Một làng có gần 200 doanh nghiệp
Nếu ai đó lần đầu tiên đến Đồng Kỵ, chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác choáng ngợp bởi những dãy nhà cao tầng san sát chạy dài, với đủ các loại kiến trúc. Người ta dễ liên tưởng tới những dãy phố sang trọng của Hà Nội, với hàng trăm biển hiệu công ty, showroom.
Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Quang, dẫn chúng tôi tham quan vài xưởng sản xuất thuộc loại lớn nhất Đồng Kỵ và cho hay: “Chúng tôi ở đây cứ nói vui với nhau rằng, ở Đồng Kỵ, cứ bước chân ra ngõ là gặp giám đốc! Số giám đốc các công ty tư nhân ở làng giờ đã gần đạt đến con số 200”. Cũng theo ông Quang thì gần 200 công ty này không những đang mang lại thu nhập cao (trung bình khoảng 1,7 triệu đồng/người/tháng) cho hơn 7.000 lao động chính của địa phương mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 người ở các xã lân cận trong những lúc việc nhà nông nhàn rỗi.
Chỉ tay về phía khu sản xuất của doanh nghiệp Việt Hà, ông Quang nói : “Khu đất ấy có diện tích 5.000 m2, xã mới cấp cho doanh nghiệp này do yêu cầu mở rộng sản xuất. Các anh biết bàn ghế tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, rồi Văn phòng Chính phủ do ai làm không? Chính là cái “anh” Việt Hà này đấy! Nhiều doanh nghiệp khác cũng có quy mô rất tầm cỡ với hàng trăm công nhân, đang từng ngày góp phần vào sự thay da đổi thịt của quê hương như Nam Thắng, Hưng Long, Thành Đạt...
Ông Nguyễn Văn Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Việt Hà, cho biết từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, sản xuất các sản phẩm thô sơ thì nay các doanh nghiệp của Đồng Kỵ đã sản xuất được những sản phẩm tinh xảo, mang những giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao. Bàn ghế giả cổ, giường công chúa, sập gụ... Ông Khanh còn cho hay, đồ gỗ Đồng Kỵ được xuất sang Trung Quốc là nhiều nhất. Khu thương mại Bồ Chài (Quảng Tây, Trung Quốc) có khoảng 400 cửa hàng đồ gỗ thì người Việt đứng tên đến hơn 300 và phần lớn là dân Đồng Kỵ. Ngoài Trung Quốc, các sản phẩm của Đồng Kỵ còn đặc biệt được ưa chuộng tại nhiều nước châu Á khác như Nhật, Singapore...
Khấm khá nhờ “nhất nghệ tinh”
Vào một xưởng sản xuất giữa làng, chúng tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Huy. Ông đang trổ hoa văn cho một chiếc ghế chủ cỡ lớn. Thấy chúng tôi đến, nghệ nhân Huy ngừng tay đục, ngước lên vừa quệt mồ hôi vừa cười: “Cái ghế này có giá 15 triệu đồng! Lô hàng này chúng tôi mới nhận hồi đầu năm. Đang cố cho xong để còn làm tiếp một ngôi chùa bằng gỗ trên đảo Hòn Tre mà ông giám đốc vừa mang hợp đồng về. Hợp đồng lớn lắm, khoảng 7 tỉ đồng”. Trò chuyện một lúc, chúng tôi được biết, những người có kinh nghiệm (thường gọi là thợ cả) như ông Huy thường được trả lương cao nhất, khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng. Thấp hơn một chút là những tay thợ trẻ, mỗi tháng nhận khoảng 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Những người làm các công việc đơn giản hơn như đánh giấy nhám, đánh véc ni, xén mảnh trai, vỏ ốc để khảm tủ, giường, sập gụ... cũng kiếm được 1,5 triệu đồng/tháng.
Mong chờ dự án cụm công nghiệp
Hồ hởi bao nhiêu khi kể về cuộc sống và công việc ở làng Đồng Kỵ, thì lúc nói đến tốc độ “rùa bò” khi triển khai các dự án quy hoạch cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp, ông Quang lại bức xúc bấy nhiêu! Nhiều doanh nghiệp muốn mở mang mặt bằng, nhưng diện tích lại có hạn nên khó khăn đó đã cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Người dân Đồng Kỵ chỉ mong sao được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ hơn nữa để làng nghề Đồng Kỵ phát huy được hết tiềm năng của mình, vừa là phát triển kinh tế - du lịch, vừa giữ gìn được những giá trị văn hóa riêng có của làng nghề” – ông bí thư xã nói.
Bình luận (0)