Việc Bộ GTVT cương quyết triển khai thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) kể từ ngày 1-1-2013 khiến dư luận không khỏi bức xúc khi mà hầu hết hạ tầng cơ sở của các tuyến giao thông huyết mạch quá xuống cấp nhưng chậm được sửa chữa hoặc sửa chữa theo kiểu chắp vá, lem nhem.
Khó chấp nhận
Đối với cánh tài xế xe đường dài, đoạn đi qua tỉnh Phú Yên được coi là xấu nhất trên toàn tuyến Quốc lộ 1, nhất là đoạn từ đèo Gành Đỏ (xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu) đến hết xã An Dân của huyện Tuy An. “Mỗi lần qua đoạn đường này là tôi thấy sợ. Cho xe bò rồi nhưng cứ nơm nớp lo không biết bể lốp lúc nào vì đá chém” - anh Trần Thanh Tuấn, tài xế xe khách chạy tuyến Quảng Ngãi - TPHCM, nói. Đoạn đường này hiện như cái áo vá chằng vá đụp, đắp chỗ này rách chỗ khác, lấp vừa xong lại bong lên.
Quốc lộ 91 qua địa bàn TP Cần Thơ quá nhỏ hẹp trong khi lưu lượng xe lưu thông rất nhiều. Anh Nguyễn Tấn Tài, một tài xế xe tải, cho biết: “Tôi thường xuyên lái xe chở hàng từ TP Long Xuyên đi Cần Thơ qua Quốc lộ 91. Tuyến đường này quá hẹp, chưa được mở rộng nên có nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra. Nếu xe của tôi bị thu khoảng 1 triệu đồng/tháng thì đề nghị ngành chức năng phải mở rộng đường”.
Ảnh chụp trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Tuy An - Phú Yên Ảnh: HỒNG ÁNH
Ông Nguyễn Anh Dũng ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn - An Giang, cũng tỏ ra băn khoăn vì xe tham gia giao thông trên Tỉnh lộ 941 phải đóng phí suốt hơn 10 năm qua, vậy mà người dân vẫn phải đi trên con đường lồi lõm. “Nếu đã đóng tiền mà vẫn chạy trên những con đường nát bét hoặc chịu đựng khói, bụi thì chắc chắn Nhà nước sẽ khó có thể thu thêm cho những năm kế tiếp” - ông Dũng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Diễn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ vận tải khách du lịch Yên Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên), đã có sự bất cập khi triển khai thu phí BTĐB nhưng đường vừa hư vừa xấu. “Bất kể loại phí nào, khi anh thu của tôi thì đòi hỏi anh phải phải cung cấp dịch vụ tương xứng. Đằng này phí cứ thu mà đường sá thế này thì ai chấp nhận được?” - ông Diễn bức xúc. Hiện HTX này có 70 đầu xe, nếu phải đóng phí thì mỗi tháng mất khoảng 35 triệu đồng, một khoản tiền không nhỏ trong tình hình kinh doanh vận tải du lịch khó khăn như hiện nay.
Theo quy định, tất cả các loại xe tham gia đường bộ đều phải nộp phí BTĐB. Trong khi đó, hiện tại 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên là Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh có trên 300 xe công nông, máy cày kéo rơ-moóc chuyên chở nông sản từ rẫy về nhà, năm thì mười họa mới chạy ra quốc lộ nhưng sẽ vẫn phải nộp phí. “Tôi vay mượn mãi mới mua được chiếc máy cày để chở sắn trên rẫy về nhà. Gần 4 năm qua, tôi có chạy ra quốc lộ lần nào đâu mà bảo nộp phí. Vô lý hết sức” - Y Thái (ngụ buôn Thu, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) bức xúc.
Quá vô lý
Cũng theo quy định, các trạm thu phí nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ nhưng những trạm thu phí nhằm hoàn vốn đầu tư theo hình thức BOT thì vẫn tồn tại đến hết hợp đồng. Như vậy, 2 trạm Bàn Thạch (Phú Yên) và Ninh An (Khánh Hòa) do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thu phí để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả sẽ vẫn tồn tại nên các loại xe tham gia giao thông chỉ chạy 120 km từ TP Tuy Hòa đi TP Nha Trang, ngoài việc nộp phí BTĐB như các phương tiện khác thì còn phải nộp 2 lần phí ở 2 trạm này. “Như vậy là quá bắt chẹt, quá bất hợp lý” - ông Lữ Hoàng Phước, chủ 6 xe khách ở phường 5, TP Tuy Hòa, nói.
Điều bất hợp lý hơn, theo ông Diễn, việc thu phí cho các công trình xây dựng theo hình thức BOT thường được tiến hành khi dự án hoàn thành nhưng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã được ưu ái cho thu phí ở 2 trạm Ninh An và Bàn Thạch trước cả khi khởi công. Dự kiến đến năm 2016, dự án này mới hoàn thành và như vậy, các xe lưu thông qua đèo Cả từ nay đến đó dù phải leo đèo vẫn phải nộp thêm phí cho hầm đèo Cả. “Vậy thì có khác nào buộc chúng tôi cho không vốn để nhà đầu tư xây hầm rồi thu tiền?” - ông Diễn ngán ngẩm.
Chờ hướng dẫn
Mặc dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là việc thu phí BTĐB sẽ bắt đầu nhưng hiện Sở GTVT tỉnh Phú Yên vẫn chưa trình đề án thu và sử dụng nguồn phí này ở địa phương lên HĐND tỉnh. Ở An Giang, ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Sở GTVT, cũng nói chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ cấp trên.
Quá sức dân Cấp sở đã lúng túng thì cấp huyện, xã đương nhiên còn lúng túng hơn. Ông Hoàng Anh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà - Quảng Ngãi, băn khoăn vì ngoài việc chưa nhận được hướng dẫn thì với một huyện nghèo như Tây Trà, mỗi năm ngân sách chỉ thu được khoảng 2 tỉ đồng mức phí cao như vậy là quá sức cho người dân, địa phương cũng không dễ thu được. Ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh - Vĩnh Long, cũng khẳng định mới chỉ nghe trên đài, báo nói là sẽ giao cho UBND xã thu phí đối với xe máy nhưng chờ mãi cũng chưa thấy trên huyện, tỉnh hướng dẫn thu như thế nào. |
Bình luận (0)