Hoa hậu Phương Nga bị tố lừa ông Cao Toàn Mỹ để chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng thông qua việc mua giúp nhà giá rẻ. Hiện tòa án đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung, Nga được tại ngoại. Động thái này cho phép nghĩ đến khả năng đã không có việc lừa đảo xảy ra. Dù vậy, khoản tiền 16,5 tỉ đồng là có thật, ban đầu là của "đại gia" Mỹ, sau đó đến Phương Nga trong mối quan hệ "chân dài - đại gia" theo kiểu "tình - tiền".
Chính hoa hậu Phương Nga thừa nhận trước tòa rằng "tôi đã sai khi là người thứ 3", do biết ông Mỹ có gia đình nhưng vẫn quan hệ. Cho nên, nếu "trắng án", không còn chịu tiếng lừa đảo thì Phương Nga cũng "trắng tay" khi mất hình ảnh cần có của một hoa hậu. Những số đo cực chuẩn, những năng khiếu bẩm sinh, những chỉ số thông minh… từng đưa Phương Nga lên ngôi hoa hậu, giờ không thể cứu được hình ảnh của cô trước sự phán xét của công chúng. Vì thế, dễ hiểu tại sao nhiều người lên tiếng phỉ báng sự trơ trẽn của ông Mỹ nhưng vẫn không bênh vực Phương Nga, dù chưa hẳn cô có tội.
Công chúng cũng dành sự quan tâm đến vụ án liên quan nhà báo Lê Duy Phong, ban đầu bởi đây là tác giả của những bài báo viết về biệt phủ của một số quan chức ở tỉnh nghèo Yên Bái. Công chúng vốn dành cho báo giới tình cảm trân trọng, nhất là trong lĩnh vực chống tham nhũng. Vì thế, khi nghe tin, rất nhiều người đã lập tức lên tiếng phản ứng, thậm chí khẳng định ngay đấy là một vở kịch được dàn dựng để vô hiệu hóa nhà báo chống tham nhũng. Nhưng những người đã dành tình cảm ban đầu ấy cho Phong đã "sốc" khi Bộ Công an cho biết trước đó anh ta đã lên gặp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái để làm việc, nêu một số vấn đề tồn tại của cơ quan này và sau đó có việc nhận 200 triệu đồng. Tuy nhiên, dù thông tin là từ Bộ Công an thì cũng chưa phải là đủ để kết luận ngay rằng Phong là "nhà báo bất lương" như nhiều người đang phỉ báng anh ta trên mạng xã hội.
Trong vụ nhà báo Lê Duy Phong, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong việc đòi hỏi minh bạch khối tài sản không hề nhỏ của một số cán bộ tỉnh Yên Bái, vì chưa tin những khối tài sản ấy được tạo ra từ đồng tiền chân chính. Cơ quan chức năng đang vào cuộc và sẽ có kết luận cụ thể. Dù vậy, đòi hỏi của dư luận là hoàn toàn chia sẻ được bởi thực tế đã không ít cán bộ bỗng dưng giàu lên một cách bất thường, khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ đấy là "quan tham nhũng".
Kho tàng danh ngôn có câu "tiền là bạc giả của hạnh phúc" lại cũng có câu "có tiền mua tiên cũng được, trừ hạnh phúc". Hai vụ án nêu trên không dính líu gì nhau nhưng đều liên quan đến những hệ lụy của tiền. Nhưng đồng tiền không có tội, chỉ là cách người ta kiếm ra tiền mới đáng suy ngẫm.
Bình luận (0)