icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự án BOT, BT hết hấp dẫn: Cải thiện cách nào?

Ánh Nguyệt

BOT và BT sẽ vẫn “sống khỏe” khi TPHCM có chính sách ưu đãi nhà đầu tư và cải cách hành lang pháp lý

Cùng với những khó khăn từ cơ chế, chính sách, những rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư không lường trước được đã khiến họ ngần ngại khi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Để tháo gỡ khó khăn, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM nhiều giải pháp “cứu” hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) khỏi cơn bĩ cực hiện nay.

Vừa đầu tư vừa… run!

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Giám đốc Đầu tư Kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII), cho biết lợi nhuận khi đầu tư theo hình thức BOT thường không cao nhưng ổn định. Tuy nhiên, đây là một hình thức đầu tư đầy rủi ro mà doanh nghiệp không lường trước được, như việc sụt giảm lưu lượng xe.
img
Xa lộ Hà Nội ở TPHCM được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT do CII làm chủ đầu tư. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Bà Bảo Trâm dẫn chứng trong trường hợp đường Vành đai 2 hoàn thành, lượng xe trên xa lộ Hà Nội (dự án mà CII đang cải tạo mở rộng theo hình thức BOT) chắc chắn bị sụt giảm làm phí doanh thu sụt giảm theo, khi đó doanh nghiệp phải tìm nguồn tiền khác để trả nợ ngân hàng. “Khi tiền phí thu không đủ thì có thể kéo dài thời gian thu nhưng thời gian trả lãi và vốn vay cho ngân hàng đã được ấn định cụ thể, không co dãn được nên chúng tôi rất đau đầu khi tìm nguồn tiền khác để trả nợ ngân hàng. Nếu không trả đúng hạn, ngân hàng sẽ xếp chúng tôi vào dạng nợ xấu ngay” - bà Trâm nói.

Bà Trâm cho rằng hiện nay, hình thức đầu tư BT cũng không “hút” mấy. TP không còn đất sạch để đổi cho nhà đầu tư mà chỉ còn đất dự án ở các khu vực xa xôi và rất khó kinh doanh, nguồn vốn ngân sách eo hẹp cũng không thể trả tiền cho nhiều dự án cùng lúc, dù là trả chậm.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, xác nhận hiện nay, việc xác định quỹ “đất chưa sạch” cũng đã khó, huống chi đến “đất sạch”. Điều đó cũng khiến doanh nghiệp chùn bước khi muốn đầu tư BT một dự án. Nhìn nhận hình thức đầu tư BOT hầu như đã bị “đứng” nhưng ông Cường vẫn cho rằng những tuyến mới như đường Vành đai 3, 4 hoàn toàn có thể xem xét đầu tư theo hình thức BOT.

Bên cạnh những khó khăn khách quan, thạc sĩ Phạm Sanh, Viện Nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp, cũng cho rằng từ trước đến nay, nhà đầu tư hạ tầng giao thông chưa thật sự mạnh. Họ thường vay vốn ngân hàng để làm dự án và tìm cách “đắp đổi” qua ngày, thậm chí thu phí giao thông trước khi công trình hoàn thành. Đến thời điểm khó khăn như hiện nay, khi ngân hàng siết chặt các khoản vay thì nhà đầu tư “chới với” nên hình thức BOT mới bị khựng lại.

Những việc cần làm ngay

Trước những khó khăn trong việc kêu gọi “xã hội hóa” các dự án hạ tầng giao thông, Sở GTVT TPHCM kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách bảo lãnh doanh thu theo hướng nếu doanh thu thực tế của nhà đầu tư không đạt được như phương án tài chính (đạt dưới 85%) thì Nhà nước sẽ bù khoản thiếu hụt này. Ngoài trả bằng đất, Chính phủ cũng nhanh chóng xem xét hoàn trả cho nhà đầu tư bằng hình thức khác, như: hoàn vốn bằng quỹ đất để trồng cao su, chè; khai thác khoáng sản, khai thác hệ thống cấp nước, điện cho đô thị; quản lý các trung tâm thể thao, thương mại…

Trong giai đoạn 2012 – 2015, Chính phủ có thể bảo lãnh cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước nhằm bảo đảm đủ nguồn vốn thực hiện dự án trong điều kiện lãi suất cho vay của các ngân hàng trong nước khá cao và luôn biến động như hiện nay, tương tự việc Chính phủ đã từng bảo lãnh vay vốn nước ngoài cho dự án cầu Phú Mỹ. Tuy nhiên, cần phải chặt chẽ khi thương lượng các điều khoản với nhà đầu tư. Theo ông Cường, TP cũng có thể cân đối tỉ lệ vốn để tham gia giải phóng mặt bằng nhằm sẻ chia gánh nặng cho nhà đầu tư hoặc hỗ trợ lãi suất khi giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng về cho họ. Một cách khác là trả chậm một phần bằng tiền, phần còn lại trả bằng đất. Đối với những dự án cấp bách như dự án khép kín đường Vành đai 2, TP sẽ có những cơ chế riêng, ưu đãi cao để thúc đẩy đầu tư.

Một kiến nghị khác của Sở GTVT TPHCM là quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí của những nhà đầu tư dọc theo những công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc hình thức BOT, BT; đồng thời thu hồi các dự án khu dân cư chậm trễ để tạo quỹ đất hoàn trả cho nhà đầu tư cũng như tạo nguồn cung cho tái định cư. Tuy nhiên, một nhà đầu tư cho rằng rất khó làm vì bản thân các nhà đầu tư dọc theo công trình cũng đang “xanh mặt” với dự án của chính họ thì lấy đâu ra tiền để đóng góp cho các dự án hạ tầng giao thông?

PPP sẽ “lên ngôi”

Theo dự đoán của Phó Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường, trong vài năm nữa, hình thức đầu tư PPP (đối tác công – tư) sẽ dần thay thế BOT, BT bởi những ưu việt riêng của nó. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thí điểm loại hình này và sắp tới sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để tạo nên một thời thế mới cho PPP.

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo