Ngày 7-6, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao) và tìm cơ chế quản lý hiệu quả hơn.
Tăng trưởng quá nóng
Theo báo cáo, trong 5 năm qua, đã có 26 dự án giao thông đầu tư theo hình thức công - tư BOT và BT được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc đầu tư các dự án BOT được giao cho nhiều bộ quản lý nhưng vẫn chưa chặt chẽ. Không có một quy hoạch tổng thể để biết dự án nào cần đầu tư theo hình thức BOT, dự án nào ngân sách nâng cấp, sửa chữa để người dân không phải trả phí nên chủ yếu là nhà đầu tư trình lên dự án nào, cơ quan quản lý “gật” dự án đó. Hệ quả, nhiều dự án chất lượng không bảo đảm, có tình trạng lún, nứt ảnh hưởng đến an toàn giao thông và đặc biệt là không có sự phối hợp giữa các chủ đầu tư với nhau để đặt trạm thu phí hợp lý.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, đầu năm 2015, cơ quan này đã phải khuyến cáo thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát tín dụng đầu tư của các ngân hàng thương mại cho dự án BOT vì thấy lĩnh vực này tăng trưởng quá nóng.
“Lợi nhuận thấp lắm” (!)
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, lý giải vừa qua, kinh tế suy thoái nên nhiều doanh nghiệp (DN) lao vào làm BOT để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, lấy công làm lãi vì mức lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 8%-9% trên vốn chủ sở hữu. “Không biết làm gì nên DN mới đầu tư BOT chứ lợi nhuận ở đâu mà nói tranh nhau đầu tư. Cái được của nhà đầu tư là có việc làm, còn Bộ GTVT và Chính phủ thì mua tài sản với giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa so với đầu tư ODA. Thế nhưng, dư luận nhìn nhà đầu tư như tội đồ khiến chúng tôi không có hứng đầu tư” - ông Dũng nói.
Ông Dũng dẫn chứng quy trình cấp chứng nhận đầu tư BOT hiện nay rất chặt chẽ vì liên quan đến tư nhân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến của 8 bộ - ngành, soi rất kỹ trước khi cấp phép, sau đó còn mấy lượt thanh, kiểm tra, kiểm toán... Theo ông Dũng, cái chưa được là bố trí trạm thu phí. “Tôi cũng bức xúc vì chúng ta đầu tư một lúc rất nhiều quốc lộ, đâu cũng đặt trạm thu phí, dân không còn sự lựa chọn nào cả. Vì vậy, chỉ nên định hướng đầu tư BOT vào các tuyến mới” - ông Dũng đề xuất.
Có cơ sở để giảm phí
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, lại cho rằng cần đặt câu hỏi tại sao tập trung quá nhiều BOT vào đường bộ, đường cao tốc trong khi chúng ta có lợi thế biển, phải chăng có lợi ích gì hơn so với đường sắt, đường biển, đường không? Nhà đầu tư có lý do khi quyết định tham gia lĩnh vực nào nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán phân bổ nguồn vốn đồng bộ. “Chúng ta đang để nhà đầu tư thu hồi vốn theo lợi ích của họ nhưng nếu ảnh hưởng đến DN thì có thể kéo dài thời gian thu phí, giảm mức phí” - ông Thiên nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, nêu: “Theo nhiều thông tin chúng tôi có được từ các đợt kiểm toán, thanh tra, tổng mức đầu tư các dự án BOT đang rất cao, nhiều chỗ phải dành 20% giải phóng mặt bằng, 20% chi phí cho dự phòng, 20% cho lãi vay... Điều này làm đội vốn tổng mức dự án lên cao, dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm. DN và người dân sẵn sàng chia sẻ với nhà đầu tư, chỉ có điều là phải công khai tuyến đường đó DN nào làm, tổng mức đầu tư ra sao, lãi vay bao nhiêu, thời gian hoàn vốn và thu phí bao lâu...” - ông Thanh nhấn mạnh.
Trước những bức xúc của dư luận về phí BOT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết đang phối hợp với Bộ GTVT rà soát vấn đề này và khẳng định có cơ sở để giảm phí BOT. Nguyên tắc giảm phí dựa vào cắt giảm chi phí các khoản dự phòng khối lượng, lãi vay không sử dụng hết do tiết kiệm và rút ngắn được thời gian thi công. Ngoài ra, nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT rà soát lại chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT phù hợp với quy hoạch phát triển vùng và của đất nước, không để BOT trở thành phong trào. “Cần kiểm soát chặt chẽ dự án BOT từ đầu đến khi đưa vào sử dụng, bảo đảm lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư, người dân...” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Dày đặc trạm thu phí
Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết cả nước hiện có 88 trạm thu phí trên các quốc lộ do Bộ GTVT và các địa phương quản lý. Nhiều trạm bố trí dày đặc, sai vị trí như trạm thu phí số 1, 2 của dự án Quốc lộ 5 (lẽ ra phải được giải tỏa từ năm 2013 nhưng vẫn duy trì để hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đến nay, đường cao tốc đã hoàn thành nhưng vẫn duy trì trạm thu phí và còn tăng mức thu); trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài… gây bức xúc cho dư luận.
Bình luận (0)