Ngày 26-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết đã giao ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (phụ trách phía Nam), đi khảo sát và làm việc với tỉnh Đồng Nai về việc triển khai dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của Công ty Toàn Thịnh Phát.
Đừng làm việc không nên
Theo ông Thắng, chờ báo cáo từ cơ quan phía Nam rồi Bộ NN-PTNT sẽ có ý kiến và quan điểm chính thức. “Tỉnh Đồng Nai phải tuân thủ theo đúng các quy định tại Luật Tài nguyên nước và Luật Phòng chống thiên tai” - ông Thắng nói.
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết dự án này có diện tích lấp sông Đồng Nai quá lớn nên sẽ tác động không nhỏ tới dòng chảy, thay đổi lực chảy, chế độ của con sông. Ngoài cơ sở pháp lý chưa đầy đủ thì cơ sở khoa học để thực hiện cũng không chuẩn. Đồng Nai căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thực hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu của viện này mới chỉ đánh giá tác động của việc lấn sông dưới chế độ thủy lực cũng chỉ để phục vụ cho giai đoạn thiết kế sơ bộ ban đầu, mang tính định hướng thôi chứ chưa có cơ sở chắc chắn. “Không ai đi lấy thiết kế sơ bộ để triển khai thi công dự án. Trong trường hợp nếu tiếp tục thực hiện giai đoạn sau thì cần phải nghiên cứu chi tiết, đầy đủ hơn. Trong khi đó, việc làm đầy đủ hơn thì Đồng Nai chưa làm được” - ông Hùng khẳng định.
Ông Hùng cũng đề nghị khi chưa đủ cơ sở khoa học, chưa đủ tính pháp lý thì tỉnh Đồng Nai đừng làm cái việc không nên làm. “Cơ quan công quyền mà làm trái pháp luật thì khó chấp nhận được” - ông Hùng nói.
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An thì cho rằng bà không hiểu vì sao tỉnh Đồng Nai vẫn kiên quyết cho thực hiện dự án trước nhiều ý kiến đề nghị dừng hoặc tạm dừng để xem xét lại. “Cái lý của họ là như thế nào?” - bà An gay gắt.
Theo bà An, qua những phản đối của các nhà khoa học cũng như bộ, ngành liên quan về dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”, tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư nên dừng lại để xem xét, không có gì mà phải vội vàng. “Đã có rất nhiều bài học đắt giá về sự vội vàng rồi” - bà An nói.
Đồng Nai cần cầu thị
Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng sông Đồng Nai chảy qua nhiều địa phương. Vì vậy, việc triển khai dự án lớn ở lòng sông sẽ tác động đến 11 tỉnh, thành trong toàn bộ lưu vực. “Lấp sông để làm dự án không chỉ là chuyện riêng của tỉnh Đồng Nai mà nó cần phải tuân thủ quy định của pháp luật cũng như có sự đồng thuận của các địa phương, người dân trên toàn bộ lưu vực của sông này” - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nên cầu thị, lắng nghe dư luận cũng như các nhà khoa học, cơ quan quản lý mà xem xét tạm dừng dự án. Trong khi đó, bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết bà chưa đi khảo sát hiện trạng của dự án lấp sông Đồng Nai nên chưa thể có nhận định đầy đủ. Tuy nhiên, chiếu theo quy định của Luật Quản lý tài nguyên nước thì việc lấp sông, tác động đến dòng chảy như vậy là không được phép thực hiện. “Đây không phải là dự án cấp thiết, tỉnh Đồng Nai nên tạm dừng triển khai để tham vấn thêm ý kiến của các nhà khoa học, nhà chuyên môn và cả người dân cũng như hoàn thiện các cơ sở pháp lý theo đúng quy định.
Đụng đến cả cộng đồng
GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam - cho rằng việc san lấp sông sẽ ảnh hưởng đến vùng hạ du và làm thay đổi dòng chảy, gây xói lở cũng như nhiều hệ lụy khác. GS Hồng khẳng định Đồng Nai được quyết định nhiều vấn đề trong phạm vi của tỉnh nhưng khi triển khai dự án trên dòng sông là đụng đến cả cộng đồng dân cư.
“Tỉnh Đồng Nai cần tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trong phạm vi lưu vực, đồng thời phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nếu đạt được sự đồng thuận thì mới triển khai dự án” - ông Hồng nói.
Bình luận (0)