Ngày 28-3, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm ủy ban, dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư và các ban - ngành liên quan dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” của Công ty Toàn Thịnh Phát. Đoàn công tác đã nghe các bên báo cáo, tường trình và khảo sát khu vực dự án theo 2 đường thủy và bộ.
“Cấm cửa” báo chí
Ông Nguyễn Lục Hòa, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết đợt làm việc giữa đoàn công tác của Quốc hội và tỉnh Đồng Nai sẽ không có giới truyền thông tham gia. “Lý do là để đoàn công tác của Quốc hội tập trung nắm bắt tình hình về dự án” - ông Hòa nói. Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của Công ty Toàn Thịnh Phát xin được tạm dừng thi công để lắng nghe ý kiến các bên liên quan nhằm làm rõ hơn về tác động của dự án. UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định việc tạm dừng thi công là theo đề nghị của chủ đầu tư, riêng địa phương vẫn bảo lưu quan điểm mọi thủ tục thực hiện dự án là đúng quy trình, quy định. Trong khi đó, ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát, cũng xác nhận việc doanh nghiệp này xin tạm dừng thi công dự án là để tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành về việc thẩm định, đánh giá các tác động của dự án.
Cùng ngày, tại khu vực thi công dự án, mọi hoạt động đổ, lấp đất đá, đóng cọc, khoan cắt đều đã tạm dừng. Theo ghi nhận của chúng tôi, đoàn công tác của Quốc hội đã có những chuyến khảo sát trên sông Đồng Nai bằng canô và khu vực trung tâm của dự án. Tuy nhiên, đoàn công tác đã không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho báo chí.
Không dành cho người nghèo!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho biết cơ quan này đã tổ chức tập hợp nhiều nhà khoa học để gấp rút chuẩn bị cứ liệu cho cuộc hội thảo nhằm “mổ xẻ” các vấn đề liên quan đến dự án, được tổ chức vào đầu tháng tới. Theo TS Tứ, có 2 vấn đề trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án do Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện và Viện Môi trường và Tài nguyên - ĐHQG TP HCM tư vấn, đó là: Tính pháp lý và tác động của dự án. “Đây là 2 vấn đề cần “mổ xẻ”, trong đó liên quan đến Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường để không tạo tiền lệ xấu cho môi trường, môi sinh” - TS Tứ nói.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, trước đó đã cùng một số chuyên gia khảo sát khu vực dự án, cho rằng địa hình, địa vật lưu vực sông này có những yếu tố phức tạp. Vì vậy, việc thực hiện dự án cần xem xét, đánh giá lại vì ngoài nguy cơ tác động lớn đến môi trường thì hiệu quả của nó cũng không dành cho những người nghèo. “Ngoài những báo động về môi sinh, môi trường, dòng chảy, tính hiệu quả của dự án nếu được thực hiện cũng sẽ chỉ phục vụ tầng lớp giàu có khi nơi đây sẽ là khu phố hiện đại. Trong khi đó, cuộc sống của những người nghèo mưu sinh trên sông sẽ bị tác động lớn...” - TS Long nhận định.
Đơn vị tư vấn từng bị dư luận lên án
Như chúng tôi đã thông tin, đơn vị tư vấn cho Công ty Toàn Thịnh Phát thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án là Viện Môi trường và Tài nguyên. Đây cũng là đơn vị tham gia thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A từng bị dư luận lên án vì nhiều sai sót, thiếu chất lượng. “Thật tiếc khi tỉnh Đồng Nai từng cực lực phản đối 2 dự án thủy điện có thể gây hại cho dòng sông Đồng Nai ở phía thượng nguồn thì nay lại đang hủi hoại nó...” - TS Tứ nói.
Bình luận (0)