Trong hai ngày 27 và 28-3, các chuyên gia của Viện Sinh thái học miền Nam đã đi thực địa dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Đoàn cũng lấy mẫu nước, đất đá, thủy sinh trong khu vực dự án để phân tích, đánh giá.
Chuyên gia lo lắng
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, tỏ ra bất ngờ vì quy mô dự án quá lớn. Trong khu vực và lân cận có nhiều di tích lịch sử như đền, chùa… gắn bó với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Khối đất đá cũng đang lấn dần hàng dầu lông cổ thụ - loài cây đặc hữu ven sông Đồng Nai.
Theo TS Long, rõ ràng với dự án 8,4 ha nhưng đến 91% diện tích là đất mặt nước thì phải gọi đúng tên là dự án lấn sông chứ không phải dự án cải tạo hay chỉnh trang.
“Tại sao người ta không nhìn vào đó để nói thẳng, nói thật rằng đây là một dự án lấn sông xây dựng đô thị vì thiếu đất, thiếu tiền giải phóng mặt bằng… mà phải quanh co là cải tạo cảnh quan, làm bờ kè…? Tôi cho rằng người ta dùng từ ngữ khá khôn khéo để đạt được mục đích của mình: hợp thức hóa vấn đề chiếm hữu mặt nước sông. Mặt nước sông vốn là quyền sở hữu chung của cả cộng đồng nên nói cải tạo, chỉnh trang có nghĩa là không xâm phạm quyền sở hữu của cộng đồng” - TS Long nhận xét.
Quả thật, chứng kiến khối cát đá đang tiến dần về phía mũi Cù Lao Phố và cầu Rạch Cát, không chỉ các chuyên gia mà người dân trong vùng cũng hết sức lo lắng cho số phận của đình Phước Lư, chùa Ông (tuổi thọ gần 400 năm)… Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế, kỹ thuật biển TP HCM - cho rằng việc lấp đoạn lõm sẽ mất nơi “chia lửa”, sức mạnh dòng chảy đưa thẳng về hạ lưu, cùng với mũi Cù Lao Phố, cầu Rạch Cát cách dự án khoảng 400 m, cầu Ghềnh cách khoảng 800 m, chắc chắn sẽ bị dòng chảy sông Đồng Nai cuốn phăng khi một cơn lũ về. Bên cạnh đó, dòng sông thu hẹp lại sẽ làm tăng tốc độ dòng chảy và gây lở bờ đối diện.
“Hiện bờ đối diện có di tích cấp quốc gia là chùa Long Thiền. Là người dân Biên Hòa, tôi hiểu chùa Long Thiền là nơi mang tất cả tâm linh và hình bóng ông bà xưa khi mở cõi khai phá vùng đất này. Nếu chùa bị xói lở, chắc chắn người dân sẽ rất đau lòng” - ông Dũng lo ngại.
Theo TS Vũ Ngọc Long, tỉnh Đồng Nai nên hoãn dự án. “Giống như chúng ta đã kiến nghị nước bạn Lào dừng xây thủy điện Xayaburi, Don Sahong 5 năm, 10 năm để nghiên cứu một cách thấu đáo hơn. Bởi lẽ, nếu dự án vẫn vội vã tiếp tục, hậu quả của việc thay đổi dòng chảy, thay đổi môi trường, thủy văn ven sông sẽ sớm diễn ra, chỉ cần vài năm mà thôi” - TS Long lo ngại.
Người dân hoang mang
Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, khi lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, người dân trong khu vực dự án lại không hay biết gì quy hoạch chi tiết cũng như việc thực hiện dự án.
Gia đình bà Đoàn Thị Mỹ Anh (ngụ tổ 12, khu phố 2, phường Quyết Thắng) nằm giữa dự án của Công ty Toàn Thịnh Phát. Bà Mỹ Anh cho biết trước khi dự án bắt đầu, chính quyền đã cắm mốc chỉ giới đường sông. Gia đình bà bị giải tỏa nửa căn nhà nhưng không nghe bàn gì đến chuyện bồi thường. Sau đó, dự án đổ cát đất, bà không biết có được ở lại hay phải di dời, giải tỏa.
Ông Võ Anh Dũng, tổ trưởng tổ 2, xác nhận người dân trong khu vực này rất lo lắng khi dự án đổ đất đá ầm ầm hai đầu nhưng nhiều gia đình ở chính giữa thì không được thông báo gì. “Tôi nghe nói do vướng cầu cảng của công ty xăng dầu nên chưa đổ đất xuống, chờ di dời cầu cảng xong thì khu vực này cũng sẽ lấp. Mấy nhà mé sông thì chắc lấp vì mới đây, phường có nhờ tôi thống kê để họ làm thư mời họp về dự án. Tổng cộng là 13 căn nhưng dãy nhà tôi cách bờ sông khoảng 20 m không biết có bị lấp không? Tôi cũng sốt ruột lắm, lên phường hỏi mà họ cũng không biết. Lỡ dự án dỡ nhà tôi thật thì biết dọn đi đâu cho kịp?” - ông Dũng băn khoăn.
Đoàn công tác của Quốc hội xem xét nhiều vấn đề
Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Đồng Nai báo cáo
Sáng 28-3, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai để làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án lấp sông. Theo đó, đoàn sẽ nghe các bên liên quan giải trình về vụ việc và xem xét các thủ tục, quy trình phê duyệt dự án; việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường, tài nguyên nước; khảo sát thực địa để làm rõ các vấn đề.
Ngày 27-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo cụ thể về việc triển khai dự án, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới TN-MT. Theo Bộ TN-MT, dự án có nguy cơ tác động xấu tới nguồn nước nên cần tham vấn các địa phương trong phạm vị lưu vực sông Đồng Nai. Bộ TN-MT cũng chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cử đoàn công tác kiểm tra thực địa, thu thập tài liệu, số liệu, thẩm tra việc tính toán tác động dòng chảy theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam để có nhận định chính xác về tác động của dự án.
X.Hoàng - N.Quyết
Bình luận (0)