Theo yêu cầu của UBND TPHCM, dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải cơ bản hoàn thành vào ngày 30-4. Như vậy, sau 9 năm thi công, dự án đang tiến sát về đích trong niềm mong chờ của hàng triệu người dân TP.
Đổi thay một dòng kênh
Dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được xem là giai đoạn 2 của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Năm 1993, Thành ủy và UBND TP bắt đầu thực hiện giai đoạn 1 của dự án.
Khi đó, Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng) cùng quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình thực hiện tái định cư cho gần 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở GTVT) nạo vét kênh và xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, như đường dọc kênh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Trong 5 năm (từ 1993 đến 1998), việc giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân đã hoàn thành. Để thực hiện dự án hiệu quả, năm 1996, UBND TP lập Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Sáu năm sau đó, việc nạo vét kênh và thi công 12/14 đoạn đường dọc kênh do ban này thực hiện hoàn tất.
Những khu vực dân cư dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ không còn chịu cảnh ngập trong mùa mưa này
Hình ảnh một dòng kênh gần như “chết lặng” vì bị rác làm cho tắc nghẽn đã biến mất, thay vào đó là hai con đường nhựa với dãy cây xanh, chiếu sáng tươm tất chạy uốn lượn theo kênh.
Tham gia dự án từ những ngày này, ấn tượng về một dòng kênh đen đặc, bốc mùi hôi thối vẫn còn in đậm trong ký ức ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý Dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
“Có những căn nhà không ra nhà vì chỉ che chắn tạm bợ bằng những tấm nhựa, chúng tôi cũng không nhận diện được đâu là dòng kênh vì dòng chảy đã bị tắc nghẽn và có nơi chỉ cần một bước là có thể qua được bờ bên kia” - ông Thuận kể.
Từ thành công này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng ý ký hiệp định vay với UBND TP để thực hiện giai đoạn 2 của dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tức dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhằm giải quyết triệt để việc ngập úng cho hơn 33 km2 của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài trên 7 quận.
Không còn ngập úng
“Những tuyến đường đã được lắp đặt cống thoát nước của dự án và các khu vực chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ không còn bị ngập mỗi khi triều cường và mưa to. Trên các tuyến đường dự án đi qua, nếu có ngập cũng chỉ ngập ít và nước sẽ rút hết trong khoảng 1 giờ” - ông Thuận khẳng định.
Đó cũng là lợi ích to lớn mà hàng triệu người dân TP mong đợi trong suốt 9 năm qua, khi họ đã chịu đựng cảnh ngập, tắc đường do việc thi công đào đường của dự án.
Theo ông Thuận, đến nay, dự án đạt tiến độ chung 96% và chỉ còn một số việc cần phải hoàn thành trước 30-4. Cụ thể, ở gói thầu số 7, nhà thầu CHEC3 (Trung Quốc) sẽ lắp đặt xong 26 CSO (hệ thống tách dòng) vào ngày 2-3.
Miệng xả ngầm nối từ giếng bờ Đông (quận 2) ra sông Sài Gòn dài 70 m cũng đang được nhà cung cấp Thái Lan chuyển đến công trường và lắp đặt hoàn tất vào giữa tháng 3-2012.
Nhà thầu cũng sẽ tiến hành bơm nước ra khỏi hệ thống cống bao, chuẩn bị cho việc nghiệm thu bàn giao công trình.
Ở gói thầu 10D, bên cạnh việc đóng cừ bản, mũ cừ, Tổng Công ty Xây dựng số 1 TNHH một thành viên (CC1) đang tích cực thi công gia cố mố cầu Công Lý, sắp tới sẽ thi công 7 cây cầu còn lại, gồm: cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông, Bùi Hữu Nghĩa, Điện Biên Phủ, Thị Nghè và Thị Nghè 2.
Riêng giao diện giữa mố cầu với cống bao (đoạn này không đóng cừ bê tông để tránh làm hư tuyến cống bao phía dưới mà chỉ đóng cọc khoan nhồi để gia cố), CC1 sẽ triển khai đồng loạt trên khoảng 10 cây cầu nên công việc có thể sẽ được hoàn thành sát ngày về đích của dự án.
Trước đây, nhà thầu lắp đặt cống thoát nước trên đường Bùi Hữu Nghĩa nhưng phải ngừng lại do nền địa chất ở đây rất yếu, phần việc này hiện nay đang được tiếp tục tiến hành.
Để tránh làm hư hại nhà dân, nhà thầu sẽ khoan cọc xi măng đất để cố định nền đất, sau đó đào đường lắp đặt cống thoát nước.
Hiện nay, nhà thầu đã lắp đặt được khoảng 100/600 m cống và đã khoan cọc xi măng đất gần xong trên tuyến đường.
Song song đó, nhà thầu cũng đang thi công lắp đặt hố ga ở khu vực Nguyễn Kiệm - Thích Quảng Đức, sau đó sẽ tiếp tục đào đường để lắp đặt khoảng 200 m cống trên đường Thích Quảng Đức.
9 năm thi công
Dự án chính thức được thi công từ năm 2003 với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu USD, trong đó WB cho vay 166 triệu USD.
Hiện tổng vốn đầu tư của dự án đã được điều chỉnh lên gần 317 triệu USD, trong đó vốn ODA gần 294 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.
Trong quá trình thi công, dự án nhiều lần bị WB “hăm he” cắt hợp đồng do thi công ì ạch. Hiệp định vay vốn của dự án có hiệu lực từ ngày 3-2-2002 và hết hạn vào ngày 31-12-2007.
Từ tháng 7-2007 đến tháng 11-2007, WB yêu cầu dự án phải đạt được một số chỉ tiêu nhất định về số tiền giải ngân và khối lượng thi công mới đồng ý gia hạn hiệp định vay vốn.
Nhận thấy những dấu hiệu khởi sắc từ dự án, WB đã đồng ý gia hạn hiệp định đến ngày 30-6-2008 và sau đó tiếp tục đồng ý gia hạn đến ngày 31-12-2009.
Đến thời gian này, dự án vẫn còn ngổn ngang nên WB lại gia hạn hiệp định đến ngày 31-12-2011, sau đó chốt thời gian cuối cùng của hiệp định là ngày 30-6-2012. |
Bình luận (0)