* Phóng viên: Cơn bão số 3 khi đổ bộ vào bờ đã không lớn như dự báo trước đó của cơ quan khí tượng làm cho nhiều địa phương “ngã ngửa” vì đã tập trung các biện pháp đối phó. Vậy việc dự báo đang mắc ở đâu, thưa ông?
- Ông Phạm Văn Đức: Khi bão đổ bộ, kết quả đo từ các trạm ven biển ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An - nơi chịu ảnh hưởng của cơn bão - cho thấy gió cấp 7-8, giật cấp 9. Có vấn đề là ở các bản tin, khi bão còn ở ngoài biển thì gió cấp 10, giật cấp 11-12 nhưng khi bão vào đất liền chỉ dự báo gió cấp 8-9, giật cấp 10 và xuống cấp 4-5-6 khi vào sâu đất liền. Tôi khẳng định không có dự báo sai. Có điều trong chỉ đạo phải quyết liệt. Vì ở vùng bên ngoài đê biển, ngoài khơi nếu không có chỉ đạo quyết liệt, thiệt hại sẽ khó lường.
Tôi xin nói lại là ở tất cả các bản tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương (thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) chưa có lúc nào nói bão số 3 ở cấp cực kỳ nguy hiểm cả.
* Các cơ quan khí tượng nước ngoài đã nhận định mức độ thấp hơn dự báo của Việt Nam và sát với thực tế, sao chúng ta không tham khảo?
- Khi vào đất liền, thường dự báo về cường độ cơn bão của cơ quan khí tượng Việt Nam thường sát hơn nước ngoài. Còn ở các bản tin xa như trước 18-24 giờ thì đúng là có dự báo cao hơn so với thực tế, cụ thể như lượng mưa từ 200 mm xuống còn 100 mm.
* Ở bản tin 16 giờ ngày 30-7, trước thời điểm bão vào khoảng 1 giờ, trung tâm vẫn dự báo vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10; giật cấp 11, cấp 12?
- Cái này để tôi xem lại. Tuy nhiên, gió giật cấp 10-11 có thể là do gió giật mạnh trong một khoảnh khắc và được ghi nhận lại nên được đưa ra. Hơn nữa, mọi người nghe tin bão thì phải chú ý là dự báo trước từ 24-48-72 giờ nên lúc đó bão ở ngoài khơi có thể tới cấp 11-12 nhưng khi vào bờ thì sẽ nhỏ hơn.
Tàu đánh cá của ngư dân Thanh Hóa vào bờ tránh bão số 3. Ảnh: thế dũng
* Vậy theo ông có cần sửa lại bản tin cho sát và dễ hiểu hơn?
- Bản tin hiện nay đã rõ ràng, từng ngày, từng buổi, hiện trạng ra sao. Người dân cần theo chỉ đạo sát ở bản tin 24 giờ và sơ tán trước thì trước 12 giờ. Quan điểm là bão dự báo cấp 8 thì công tác triển khai phòng chống phải đưa lên cấp 9-10.
* Việc dự báo có “số dư” để người dân có sự chuẩn bị nhưng nhiều lần đón bão hụt sẽ làm họ khó tin ở bản tin dự báo, thưa ông?
- Công tác dự báo thì phải cố gắng thật sát. Còn công tác chỉ đạo thì phải quyết liệt hơn để an toàn. Dự báo không thể bảo đảm chính xác 100%, nếu gió giật mạnh lên mà dẫn đến chết người thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với mất công một chút trong phòng chống.
Bình luận (0)