Ngày 5-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn; thảo luận ở tổ về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan khí tượng dự báo, cảnh báo thời tiết khi cảnh báo sai, gây thiệt hại lớn về tài sản, sinh mạng người dân. “Đành rằng chúng ta biết thời tiết diễn biến phức tạp, báo cáo khó lắm nhưng bây giờ cứ dự báo theo kiểu nói quá lên để cho an toàn. Thực ra, dự báo sai đã nguy hiểm rồi, dự báo quá lên cũng gây thiệt hại nặng nề về kinh tế” - ông Sơn lo ngại.
Đồng quan điểm, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng phải quy định rõ trách nhiệm bởi quy định chung chung như trong dự thảo thì rất khó có thể đưa ra những chế tài để xử lý việc dự báo thiếu chính xác.
ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) và ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đều cho rằng khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân hoạt động cung cấp dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, cần phải quy định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi lẽ, đây là ngành nghề đặc thù, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước; ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng; tính mạng và sức khỏe của người dân.
Để nâng cao chất lượng dự báo, các ĐB đề nghị nhà nước cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại cho mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, cho quan trắc và cơ sở dữ liệu nhằm đưa ra kết quả dự báo chính xác cao.
Chiều cùng ngày, thảo luận ở tổ về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết cuối năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN - một cộng đồng 600 triệu dân với 10 quốc gia. Việt Nam phải bảo đảm sự tự do hóa về thương mại, kể cả đầu tư và lao động có kỹ năng.
Ngoài ra, nước ta cũng triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do khác như Á - Âu, EU; năm 2018 phải thực thi gần như hết cam kết WTO mà việc phê chuẩn nghị định thư này có liên quan, rồi cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, Chính phủ cần tập trung vào việc nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hộ nông dân. Đây là 2 lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng.
Ngay thời gian TPP sắp triển khai thì hộ nông dân vẫn chưa được giải thích, tuyên truyền. “Cần có một tổ, ủy ban gì đó từ những bộ máy hiện tại, chứ không phải thành lập cồng kềnh thêm để rà soát, làm thế nào góp phần bảo đảm tính độc lập, tự chủ của kinh tế Việt Nam” - ĐB Ngân nói.
ĐB Ngân đề nghị Chính phủ cần có kịch bản đối phó dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tháng 9, 10-2015, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam rất nhiều. ĐB Ngân bày tỏ lo lắng khi cấp phép đầu tư nước ngoài ở các địa phương vì chạy theo thành tích mà có thể thiếu sự quan tâm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc phòng.
Bình luận (0)