Nhưng thực tế thì việc ô tô hết NHSD tung hoành trên các tuyến đường không chỉ dừng lại ở những địa phương nói trên mà là ở tất cả các địa phương trong cả nước. Cho đến hiện tại, chưa địa phương nào tự tin để công bố đã xóa được ô tô hết NHSD lưu thông trên địa bàn. Thậm chí, theo thống kê của chính Cục Đăng kiểm Việt Nam thì hết năm 2015, cả nước có xấp xỉ 140.000 ô tô hết NHSD.
Ô tô hết NHSD là phải cấm lưu hành. Điều này thì chủ xe, tài xế và các cơ quan có liên quan đến quản lý giao thông đều không thể nói là không biết. Chính Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết đã công bố danh sách xe cơ giới hết NHSD hoặc sẽ hết NHSD trên trang thông tin tại địa chỉ www.vr.org.vn.
Ô tô hết NHSD hoặc sẽ hết NHSD cũng là việc cơ quan quản lý biết rất rõ. Vả lại, ô tô hết NHSD cũng không phải nhỏ đến mức cất giấu được trong phòng ngủ, cũng không dễ trốn tránh nhiều như xe máy hết “đát” mà nhiều địa phương vừa quyết “tuyên chiến”. Thế thì vì sao loại xe này vẫn nghênh ngang tung hoành trên đường, không chỉ là đường nông thôn, vùng sâu vùng xa mà có nơi là ngay giữa đô thị, không chỉ gây phiền toái mà đã là vô số thảm họa?
Thực ra là không khó để thẳng thắn trả lời rằng đấy chính là do sự yếu kém của chính các cơ quan có trách nhiệm quản lý phương tiện cơ giới và bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng thực sự tất cả chỉ vì sự yếu kém trong quản lý, xử lý hay còn vì lý do nào khác? Điều này chỉ có cơ quan chức năng liên quan đến việc quản lý phương tiện cơ giới mới trả lời được. Với người dân thì khác, họ chỉ hiểu nôm na chắc ở đó đã có sự du di hay ưu ái bất thường (?). Không có du di, ưu ái thì đến xe “vua” cũng bó tay, khó mà tung tăng trên đường chứ nói gì đến xe hết NHSD.
Đến thời điểm này thì dư luận mới biết thêm rằng Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu đề nghị của chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về việc giao Cục CSGT tổ chức lực lượng kiểm tra liên ngành toàn quốc tuyên truyền và tịch thu phương tiện hết NHSD nhưng vẫn tham gia giao thông. Việc nghiên cứu này chưa biết bao giờ thì xong trong khi xe hết NHSD chắc chắn không vì thế mà ngừng gây thảm họa.
Có điều xưa nay, khi thảm họa xảy ra do tai nạn giao thông, dù có thương vong nhiều người thì lỗi vẫn là ở người điều khiển phương tiện, quá lắm thì đổ cho hạ tầng giao thông chứ có ai quy trách nhiệm cho những người quản lý phương tiện cơ giới?
Bình luận (0)