Hồ thủy điện Trị An (trong khu bảo tồn, tỉnh Đồng Nai) rộng hơn 323 km2, từ trước đến nay chỉ chủ yếu phục vụ thủy điện, bên cạnh đó là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Trên hồ có 2 đảo Ó và Đồng Trường được đầu tư phát triển du lịch với mức độ vừa phải. Gần đây, Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (Công ty Cường Thuận) lập đề án trình tỉnh Đồng Nai mong muốn đầu tư phát triển nơi này thành một khu du lịch.
Xây chùa, làm cáp treo
Theo đề án sơ bộ của Công ty Cường Thuận, hồ thủy điện Trị An thuộc thị trấn Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách TP Biên Hòa 30 km, TP HCM 65 km theo quốc lộ là một điểm thuận lợi cho việc làm du lịch. Theo đó, đây sẽ là “điểm nhấn” về tài nguyên du lịch tự nhiên, nằm trong vành đai kinh tế TP HCM, thuận lợi cho việc phát triển du lịch cả về đường thủy dọc sông Đồng Nai và đường bộ.
Đơn vị lập dự án cũng cho rằng việc phát triển du lịch trên hồ Trị An phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai. Khu du lịch này nếu được đầu tư lớn sẽ nằm trong tổng thể bản đồ du lịch của địa phương, trong đó có Vườn Quốc gia Cát Tiên và các điểm du lịch vệ tinh.
Cũng theo đề án sơ bộ của Công ty Cường Thuận, dự tính ban đầu, đơn vị này sẽ chia tổng thể không gian khu vực với diện tích khoảng 25 ha này thành 2 phân khu. Trong đó, khu “động” gồm có cầu tàu, công viên nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí và các hoạt động dưới nước, đặc biệt sẽ có cáp treo. Khu “tĩnh” sẽ là khu văn hóa tâm linh và xây chùa lớn để khách hành lễ.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cường Thuận, cho biết tham vọng của đơn vị là muốn biến khu vực đầy tiềm năng này thành một điểm du lịch “tầm cỡ”, không chỉ phát triển cầm chừng như lâu nay. “Chúng tôi muốn đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch tại địa điểm này, đồng thời như là một điểm nhấn du lịch có thể sánh ngang với việc phát triển du lịch tại các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…” - ông Quang khẳng định.
Đang xem xét
Trong khi đó, về mặt bảo tồn, ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, cho biết hiện toàn bộ phạm vi hồ Trị An đều thuộc khu bảo tồn do khu quản lý. Trong những năm qua, việc khai thác du lịch tại 2 đảo Ó và Đồng Trường được giao cho một đơn vị của tỉnh Đồng Nai thực hiện. Riêng với vấn đề xây dựng cáp treo như bước đầu đề cập trong dự án, chắc chắn sẽ còn nhiều điều phải xem xét vì “ít nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn”.
Ông Nguyễn Kim Phúc, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, cho biết chưa nắm được các thông tin liên quan vấn đề này. Tuy nhiên, ông cho rằng đối với việc thực hiện du lịch quy mô “hoành tráng” trên hồ Trị An chắc chắn sẽ có nhiều mặt bị ảnh hưởng. “Hồ Trị An có mục đích phục vụ của nó, nếu thực hiện các hoạt động đầu tư khai thác khác thì tất nhiên một số mặt nào đó sẽ chịu ảnh hưởng. Nếu làm thì họ cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ các bên, lấy ý kiến các bộ - ngành và có đánh giá tác động môi trường để bảo đảm phù hợp công năng hoạt động của hồ…” - ông Phúc nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tỉnh mới chỉ bàn những bước phác thảo ban đầu. Việc thực hiện đề án cũng là chủ trương chung về quy hoạch, phát triển du lịch trên địa bàn. Về vấn đề chủ đầu tư đề xuất thiết kế, xây dựng các hạng mục cụ thể như cáp treo, chùa để phục vụ du lịch tâm linh, ông Hậu cho rằng mới dừng lại ở mức đề xuất ý tưởng nên chưa bàn đến bản vẽ, quy hoạch chi tiết.
“Địa điểm du lịch này cũng nằm trong quy hoạch du lịch quốc gia, sẽ còn có nhiều điều phải xem xét. Hiện chỉ mới bàn thảo những bước đầu nên chưa khẳng định gì về các vấn đề cụ thể. Vì là điểm nằm trong quy hoạch du lịch quốc gia nên các yếu tố liên quan chắc chắn phải có ý kiến của các bộ - ngành…” - ông Hậu nói.
Làm đường ven hồ, mất 17 ha rừng
UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa chính thức đồng ý cho Công ty Cường Thuận triển khai thực hiện tuyến đường ven hồ Trị An dài hơn 27 km chạy dọc theo bìa rừng trong khu bảo tồn. Đường này được xây dựng nhằm phục vụ dự án du lịch nói trên và để hơn 50 hộ dân xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu thuộc vùng lõi khu bảo tồn - nằm trong kế hoạch di dời hơn 10 năm qua chưa thực hiện được - có đường để đi lại; đồng thời giúp tuần tra bảo vệ rừng, hạn chế lâm tặc. Trước đó, từ lâu đã có một con đường lớn xuyên qua lõi rừng kết nối với các hộ dân Mã Đà nhưng sắp tới sẽ được ngăn, cách ly khu vực bảo tồn với các hộ dân.
Riêng đường ven hồ Trị An, diện tích sử dụng là 19 ha, không phải xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, theo tính toán, việc xây dựng con đường này sẽ làm mất 17 ha rừng.
Bình luận (0)