Đây là mặt trái của du lịch và là cái giá phải trả khi thu hút du khách bằng mọi giá mà thiếu sự điều tiết của cơ quan chức năng và tầm nhìn người quản lý. Thay vì biến mình thành một phần của cảnh vật đẹp đẽ thì nhà quản lý tạo điều kiện tối đa cho du khách thỏa mãn mọi thú vui để xóa nhòa hình ảnh Sa Pa - ưu vật của thiên nhiên. Những hàng cây đầy tiếng reo của gió đã bị lấn át bởi các quán ăn nồng nặc mùi rượu. Những nẻo đường quanh co se lạnh giữa sương chiều đã bị vùi lấp bởi các cửa hàng ngập lời mặc cả.
Tây Nguyên cũng thế, không thoát nổi cơn lốc xâm hại từ du lịch. Linh hồn của đại ngàn chỉ có thể vang vọng qua tiếng cồng chiêng bên bếp lửa dưới tán rừng. Văn hóa du cư chỉ tồn tại giữa những rặng núi đầy bí mật. Thế nhưng, rừng không còn thì bản sắc trầm hùng vang dội của đại ngàn làm sao mà giữ được. Những cánh chim một thời tung mình cao vút giữa rừng xanh nay lẻ loi đến tội nghiệp giữa phố phường trơ mình dưới nắng bởi bê-tông và tiếng gầm rú của động cơ. Rất nhiều công ty du lịch còn muốn cho du khách hưởng thụ hồn xưa thiêng liêng của văn hóa Tây Nguyên bằng những buổi biểu diễn cồng chiêng đầy sắp đặt nhưng màu của núi rừng nào có thể chịu nổi ánh sáng đèn cao áp; men rượu cần sao át nổi mùi những món ăn đầy gia vị Tây phương. Đến cả những con voi khổng lồ cũng phải trút hơi thở cuối cùng bởi oằn mình chở khách.
Đà Lạt mộng mơ một thời với bạt ngàn thông xanh nay chẳng khác gì những thành thị ầm ào ở mọi miền đất nước. Buổi sáng đã nóng bức bởi chẳng còn được mấy khoảnh rừng thông che nắng, e ấp trong sương. Đồi núi chập chùng nhưng lở lói bởi những công trình cao ốc, nhà nghỉ hạng sang đang trùng trùng xây dựng. Chẳng còn rừng thông thì Đà Lạt còn gì?
Viễn cảnh đau lòng này đã từng được cảnh báo từ nhiều năm trước. Và không ít nhà khoa học nhiều lần kiến nghị nhưng họ đã thất bại bởi những mục tiêu sặc mùi tiền của các nhà quản lý địa phương và những công ty du lịch. Địa phương muốn có nguồn thu lớn nên bất chấp, xem nhẹ nhiệm vụ bảo tồn. Họ sẵn sàng bắt tay với những ông chủ tổ chức du lịch chỉ chăm chăm vào túi tiền của du khách và khai thác tối đa tiềm năng thiên nhiên sẵn có. Những cái lợi trước mắt đã che mờ đi bao nỗi đau của thiên nhiên bị tận thu đến cạn kiệt.
Hãy học những quốc gia có ngành du lịch bảo tồn. Những khu rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm mật. Du khách tham quan với số lượng hạn chế và nguyên tắc luôn được đặt ra: Đừng để lại gì trong rừng ngoài những dấu chân. Nhiều nơi khác, khi du khách đến tham quan phải tự mình trồng một cây. Tất nhiên, những cây này không hẳn tạo nên một cánh rừng nhưng nó nhắc nhở du khách về ý thức bảo tồn.
Mẹ thiên nhiên luôn đầy bao dung và chở che. Đừng biến thiên nhiên tuyệt mỹ thành món hàng mang ra gả bán để rồi trong một tương lai gần, chính con người phải nhận hậu quả từ sự vô ơn này.
Bình luận (0)