Bên hành lang Quốc hội vào sáng 11-6, Đại tướng Lê Văn Dũng cho biết hiện nay có thực tế là nhiều nước đang tranh chấp ở một số vùng biển thuộc Biển Đông.
Theo Đại tướng, phải thông qua các hoạt động ngoại giao và các nước cùng ngồi lại để phân định biên giới trên biển, với sự tham gia của quốc tế. Sau khi cùng xác định đường biên giới rõ ràng, việc bảo đảm ngư dân khai thác ổn định sẽ tốt hơn nhiều và thuận lợi.
. Phóng viên: Ở những vùng đã khẳng định chủ quyền thuộc về VN, chúng ta bố trí lực lượng bảo vệ ngư dân như thế nào, thưa Đại tướng?
- Đại tướng Lê Văn Dũng: Luôn có các tàu của cảnh sát biển và hải quân đi tuần tra trên vùng biển của mình, vừa cảnh giác tàu lạ, tàu nước ngoài xâm nhập để kịp thời ngăn chặn vừa bảo vệ cho ngư dân trên các vùng biển.
Như trên các vùng biển xung quanh đảo Trường Sa, những đảo mà mình quản lý thì ngư dân đánh cá ở đó rất tốt. Có điều, nếu đi ra xa khu vực đó thì mình cũng khuyên bà con ngư dân cố gắng liên kết với nhau thành những đội đánh cá mạnh để chống những hoạt động của tàu nước ngoài, bảo đảm đội hình và bảo đảm an toàn.
Hải quân mình đi tuần tra theo vùng biển chứ không thể đi theo từng tàu đánh cá, mà ngư dân VN cũng không đánh cá thành đoàn mà thường đi từng tàu.
. Còn ở vùng biển chưa phân định được ranh giới thì sao?
- Giải quyết tranh chấp chỗ này phải trên cơ sở đấu tranh trên bàn ngoại giao, phải thương lượng. Hiện nay chúng ta đã hoàn thành việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc (TQ), đã làm xong phân định ranh giới trên vịnh Bắc Bộ và xác định khu vực chồng lấn đánh cá chung.
Tới đây, VN cùng với TQ và một số nước sẽ phân định biên giới trên biển. Điều này phải có thời gian và phải rất quyết liệt mới phân định được.
. Có biện pháp nào để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ ở vùng biển thuộc chủ quyền của ta không, thưa Đại tướng?
- Cần động viên ngư dân duy trì việc đánh bắt ở ngư trường thuộc chủ quyền của ta. Mỗi khi có thông tin cần cứu hộ của tàu cá VN, lực lượng cứu hộ sẽ có mặt. Như ngoài Trường Sa, chúng ta thường xuyên có một đội tàu để vừa cứu hộ, cứu nạn nhưng cũng vừa tuần tra, bảo vệ biên giới trên biển.
|
. Như vậy, chúng ta sẽ bảo đảm an toàn cho bà con ngư dân ở những vùng biển thuộc chủ quyền đất nước?
- Chúng ta đủ sức bảo vệ an toàn cho bà con. Những tàu của ngư dân ta bị bắt vừa qua chủ yếu là ở những vùng chưa nhận biết được ranh giới.
. Thưa Đại tướng, trong trường hợp tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền biển VN, biện pháp ngăn chặn là gì?
- Cũng có nhiều lần tàu nước ngoài đi vào vùng biển thuộc chủ quyền VN, lực lượng hải quân ta đã thông báo và xua đuổi ra khỏi phạm vi chủ quyền. Phía tàu lạ cũng tuân thủ và xô xát không xảy ra.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư dân
P.Dương |
Bình luận (0)