xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa cổ vật hồi hương

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiều lần đâm đơn thưa kiện, thậm chí ra nước ngoài đấu giá nhưng số cổ vật triều Nguyễn thu hồi được vẫn chiếm tỉ lệ khiêm tốn

Trở về cố quốc đã gần 30 năm, chiếc án thư triều Nguyễn và bộ dụng cụ đựng phi tiêu của vua Tự Đức đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Nhắc đến chuyện đưa được chúng về quê hương, nhiều người cho rằng đó là một vụ kiện lịch sử trong việc đòi lại cổ vật của Việt Nam.

Thưa kiện ra tòa quốc tế

Chuyện bắt đầu khi cựu hoàng Bảo Đại, lúc đó còn sống tại Paris - Pháp, tình cờ ghé qua một bảo tàng ở Paris. Ông đã thấy một số cổ vật triều Nguyễn, gồm các đồ quan dụng và ngự dụng, được trưng bày để bán đấu giá. Trong số này có một án thư triều Nguyễn, một bộ dụng cụ đựng phi tiêu để giải trí của vua Tự Đức lúc sinh thời và nhiều đồ dùng bằng sành sứ.

 

Chiếc xe kéo của thái hậu Từ Minh sau khi đấu giá thành công ở Pháp đã được đưa về quê hương
Chiếc xe kéo của thái hậu Từ Minh sau khi đấu giá thành công ở Pháp đã được đưa về quê hương

 

Bảo Đại lập tức đâm đơn lên tòa án ở Paris thưa kiện đòi lại những cổ vật này nhưng bị bác bởi ông không có tư cách đại diện cho Việt Nam. Tòa án khẳng định chỉ có Chính phủ Việt Nam mới đủ tư cách thưa kiện.

Cựu hoàng Bảo Đại đã trình báo với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp nhờ can thiệp. Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam đã có công văn gửi về các bộ - ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND TP Huế. Ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết vào năm 1987, khi đang là Chủ tịch UBND TP Huế, ông đã nhận được công văn của đại sứ quán nên liền tổ chức họp bàn để tìm phương án kiện đòi lại cổ vật.

Lãnh đạo TP Huế đã thành lập một hội đồng do ông Nguyễn Văn Mễ chủ trì, ông Lê Phước Thúy (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Huế), ông Nguyễn Xuân Hoa nguyên ủy viên thư ký UBND TP Huế) và một số người ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tham gia.

Cùng lúc này, tại Pháp, luật sư Đào Văn Thụy tự nguyện thay mặt Đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục thưa kiện. “Nhiệm vụ của chúng tôi hết sức nặng nề: Phải tìm được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của cổ vật để gửi qua Pháp. Vì vậy, chúng tôi mời thêm ban lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tham gia” - ông Mễ nhớ lại.

Việc tìm nguồn gốc các cổ vật không hề đơn giản. UBND TP Huế phải tìm gặp và nhờ các cụ Ưng Tương, Bửu Hàn - những người phụ trách trông coi Viện Bảo tàng Huế, hiện là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, giai đoạn 1958-1979. “Các cụ thuộc dòng dõi triều Nguyễn, từng nhiều năm gắn bó với báu vật gia tộc nên rất tường tận. Dù vất vả, mất thời gian nhưng các cụ vẫn giúp được chúng tôi hoàn thành hồ sơ chứng minh nguồn gốc 2 cổ vật vốn bị lấy đi bất hợp pháp” - ông Mễ kể.

Sau khi nắm các chứng cứ trong tay, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã làm đơn kiện ra tòa án để đòi lại cổ vật. Nhờ có những chứng lý chắc chắn, UBND TP Huế đã kiện đòi thành công 2 cổ vật nêu trên để đưa về trưng bày tại bảo tàng. Tuy nhiên, đáng tiếc là Huế không thể chứng minh được nguồn gốc một số đồ cổ sành sứ.

Bỏ tiền tỉ mua lại cổ vật

Ông Mễ khẳng định việc đưa cổ vật về lại quê hương là tâm nguyện của lãnh đạo TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế và những ai quan tâm đến di sản văn hóa đất nước từng một thời lưu lạc. Điều này được chứng minh bằng nỗ lực của chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong việc tìm tòi, tham gia đấu giá cổ vật từ nước ngoài đưa về Việt Nam.

“Theo quy định của Pháp, bất kỳ cổ vật nào sau 30 năm lưu lạc ở nước này đều thuộc tài sản của họ. Vậy nên, sau khoảng thời gian này, dù Việt Nam có chứng minh được nguồn gốc cổ vật cũng như việc chúng bị lấy cắp thì cũng không thể đòi lại được nữa” - ông Mễ phân tích.

Vì vậy, vào tháng 11-2010, khi biết thông tin bức tranh “Chiều tà” do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 được đưa ra bán đấu giá công khai ở một khách sạn tại Paris, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tham gia nhằm đưa về Việt Nam. Sau đó, trung tâm này đã ủy quyền cho Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thay mặt tham gia đấu giá nhưng bất thành do giá bức tranh được mua cao hơn số tiền mà Việt Nam đưa ra.

Năm năm sau, vào ngày 22-4, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã thành công trong phiên đấu giá chiếc xe kéo 108 năm tuổi của thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái) tổ chức tại Château de Cheverny - Pháp với giá gần 1,345 tỉ đồng. Chiếc xe trở về quê hương nguyên vẹn, hiện trưng bày trong hoàng cung.

Đây là chiếc xe làm bằng gỗ, dài 230 cm, cao 136 cm và rộng 102 cm, do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội đóng vào những năm đầu thế kỷ XX. Xe khảm xà cừ trên bản gỗ phủ sơn mài đen, bánh niềng sắt, trên xe gắn 2 đèn lồng.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, sau khi thái hậu Từ Minh qua đời, vào tháng 10-1907, vua Thành Thái đã bán chiếc xe này cùng chiếc long sàng cho ông Prosper Jourdan, chỉ huy đội cận vệ của nhà vua, để lấy tiền mua ô tô. Sau đó, chiếc xe được đưa về Pháp trong năm 1907.

 

Cần sự đầu tư lớn

TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong vài năm trở lại đây, đơn vị này từng tiếp nhận một số cổ vật hiến tặng đưa về từ Pháp, gồm: một cặp ngà voi, một chiếc bàn gỗ sơn son mặt sứ, một chiếc đồng hồ khảm xà cừ. Ngoài ra, các nguồn trong nước cũng hiến tặng 60 cổ vật khác.

“Chúng tôi sẽ cố gắng đưa về Huế những gì có thể, nhất là cổ vật cung đình vốn gắn bó với các công trình kiến trúc như cung điện, đền miếu, lăng tẩm. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn từ Chính phủ và chính quyền địa phương” - ông Hải bày tỏ.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo