Trước đó, đêm 8-3, cháu T.T.D được chuyển từ bệnh viện (BV) thuộc tỉnh Bắc Giang lên BV Nhi Trung ương trong tình trạng vết thương ngang mặt trước cổ tay phải khiến bàn tay gần như đứt lìa, toàn bộ mạch máu, thần kinh, gân gấp các ngón tay cũng bị đứt. Tổn thương được đánh giá rất phức tạp.
Ngay lập tức, bác sĩ Lê Tuấn Anh và bác sĩ Phùng Công Sáng, Khoa Chấn thương chỉnh hình nhi cùng ê-kíp gây mê của BV đã tiến hành vi phẫu nối các động mạch bị đứt, thần kinh, kết hợp xương…cứu bàn tay cho bé. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng (từ 22 giờ đến 3 giờ sáng ngày 9-3).
May mắn, sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, các đầu ngón tay hồng, có thể vận động nhẹ nhàng, cảm giác nhận biết tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bệnh nhi vẫn phải điều trị kháng sinh liều cao kết hợp thuốc chống đông để tránh tắc mạch thứ phát, có thể gây hoại tử bàn tay.
Gia đình bệnh nhi cho biết khi sự việc xảy ra chỉ có cháu D. và người anh họ 14 tuổi ở nhà, bố mẹ đều đang đi làm nên không biết các cháu đùa nghịch thế nào để dẫn đến sự việc này. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, cháu D. được đưa đến BV tỉnh Bắc Giang. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành sơ cứu, băng ép cố định phần tay gần đứt lìa và chuyển cháu lên BV Nhi Trung ương.
Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh, Khoa Chỉnh hình nhi, BV Nhi Trung ương, tại đây thường xuyên tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh đứt chi, đứt gân nhưng bệnh nhân bị tổn thương phức tạp như trường hợp cháu D. khá hiếm gặp. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần giải thích cho trẻ hiểu những nguy hiểm của các dụng cụ có thể gây chấn thương vẫn được sử dụng trong gia đình, để trẻ có ý thức và không chơi đùa với các loại dao, kéo, búa…, tránh hậu quả đau lòng xảy ra.
Bình luận (0)