Theo người dân địa phương, dừa sáp ở Cầu Kè đầu tiên được sư cả ở chùa Chợ - thị trấn Cầu Kè đem từ Campuchia về trồng vào những năm 1930. Từ đó bà con nông dân ở các phum, sóc đến xin giống về trồng ở vườn nhà. Bề ngoài, cây và trái dừa sáp không khác cây dừa bình thường từ màu sắc đến kích cỡ, tuy nhiên có điểm khác biệt duy nhất là phần cơm dừa rất dày. Khi dừa sáp rám khô thì phần cơm rất dẻo, đặc quánh lại trong trái dừa. Người ta ăn dừa sáp bằng cách nạo cơm dừa ra cho vào ly, thêm ít sữa và nước đá, tạo nên một mùi vị rất ngon. Vào các dịp lễ, có hàng ngàn người về Cầu Kè, lúc đó dừa không đủ bán, giá từ 25.000 - 28.000 đồng/trái.
Cầu Kè hiện có khoảng 222.000 cây dừa, với diện tích trên 500 ha, trong đó có khoảng 5% diện tích đất trồng dừa sáp. Trước nguy cơ dừa sáp ngày càng bị lão hóa, Viện Nghiên cứu tinh dầu thực vật TPHCM đã thử nghiệm thành công việc khôi phục lại giống dừa sáp ở Cầu Kè bằng phương pháp cấy tạo phôi giống. Sau khi nhân giống tỉ lệ dừa đặc ruột sẽ đạt 90% - 100%.
Bình luận (0)