Ngày 11-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nhằm sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/TW - NQ 26).
Theo
www.chinhphu.vn, gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, trong bối cảnh thu ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhà nước vẫn ưu tiên tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Tính chung 3 năm 2009-2011, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp-nông thôn đạt gần 290.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.
Đến năm 2010, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, 13/14 tiêu chí của Nghị quyết 26 đã cơ bản đạt được. Năm 2009, nông nghiệp đạt mức tăng GDP là 1,83%, năm 2010 đạt 2,78%.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 2006 – 2010 đạt 3,36%/năm, vượt mục tiêu 3,2%/năm do Đại hội Đảng X đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2010 đạt 19,53 tỉ USD, tăng 3,46 tỉ USD so với năm 2008, vượt 81% so với mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra (10,8 tỉ USD).
Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, đến năm 2010, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm xấp xỉ 60% cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn.
Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Theo tiêu chí cũ, tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% năm 2008 xuống còn 11,3% năm 2010. Chính phủ cũng đã tập trung hỗ trợ 62 huyện nghèo nhất để giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 26 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống hoặc chưa tạo ra chuyển biến trên thực tế…
Thực hiện Nghị quyết 26, diện mạo nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện.
Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL được mùa lúa. Ảnh: NGỌC TRINH
Tại hội nghị, theo
www.chinhphu.vn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định nhiều nội dung của Nghị quyết 26 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến rõ rệt, nhất là những nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để xây dựng được nông thôn mới, trước hết phải quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi… đi liền với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật; trồng và chăn nuôi các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh và lợi thế trên thị trường…
Lãnh đạo các địa phương khẳng định quyết tâm xây dựng nông thôn mới; thực hiện bằng được mục tiêu xóa nhà tạm, mục tiêu còn chưa đạt được trong số 14 tiêu chí đến năm 2010 của Nghị quyết 26.
Phấn đấu đến năm 2015, đưa tỉ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đạt 17% - 18%; hằng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn; thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 1,8-2 lần so với năm 2010; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 20%...
Tam nông là vấn đề chiến lược
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề chiến lược, hệ trọng của đất nước. đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; phải đưa Nghị quyết 26 đi vào cuộc sống và trở thành phong trào cách mạng sâu rộng của quần chúng nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện tốt hơn nữa nghị quyết. Các bộ, ngành, địa phương tính toán cân đối nguồn lực, huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm để nâng cao đời sống của cư dân nông thôn; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự vững mạnh, gắn liền với đó là giữ vững an ninh trật tự khu vực nông thôn. |
Bình luận (0)