Bên trong “nhà hàng nổi” dựng sơ sài và không có hành lang an toàn
Tại Khu Du lịch Long Sơn, từ mấy năm trước, đã mọc lên nhiều “nhà hàng nổi” phục vụ du khách ăn uống ngay trên những bè nuôi thủy sản.
Nhà hàng nổi “dã chiến”
Đây được coi là “sáng kiến” kết hợp nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch, tuy nhiên những “nhà hàng dã chiến” này đang là mối nguy hiểm cho thực khách khi nằm trên sông Rạng mênh mông, sâu hàng chục mét và có khá nhiều thuyền, bè qua lại.
Chiều 25-5, chúng tôi có mặt tại “nhà hàng nổi” Đực Nhỏ và làng bè ẩm thực Long Sơn. Nhìn nhiều lượt khách liên tục ra vào những nhà hàng này, chúng tôi không khỏi rùng mình nghĩ đến vụ chìm tàu Dìn Ký ở Bình Dương.
Nằm ngay giữa dòng sông Rạng, “nhà hàng nổi” Đực Nhỏ nhìn từ xa chỉ thấy mờ mờ là một dãy nhà lợp bằng lá dập dềnh trên sóng nước.
Theo đò lênh đênh giữa mặt sông bao la đến hơn 10 phút, chúng tôi mới đến được “nhà hàng nổi” này. Đó là một dãy nhà bè được làm bằng gỗ, rộng gần 600 m2 và nổi trên mặt sông nhờ hàng trăm chiếc thùng phuy bằng nhựa ở phía dưới.
Sàn nhà được làm bằng những tấm ván gỗ thô sơ và mỏng mảnh. Xung quanh, hàng lan can bằng tre và lưới nhựa cũng đã gần như mục mát, có thể đổ bất cứ lúc nào. Cách đó khoảng hơn 100 m trên mặt sông, làng bè ẩm thực Long Sơn cũng có thiết kế tương tự nhưng diện tích rộng hơn và dưới bè là những lồng nuôi cá, ghẹ, hàu…
Do phong cảnh sông nước hữu tình nên thực khách tìm đến các “nhà hàng nổi” khá nhiều, nhất là vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ. Theo quan sát của chúng tôi, hàng trăm lượt khách đến đây mỗi ngày, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em…
Trên chiếc ghe chở du khách từ bến Mũi Đá ra “nhà hàng nổi” Đực Nhỏ, hàng chục người trong đó có cả phụ nữ, trẻ em đều không mặc áo phao và cũng chẳng có ai nhắc nhở. Trong khi đó, theo một nguồn tin, người lái chiếc ghe vừa bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt vì điều khiển phương tiện đường thủy mà không có bằng lái.
Chẳng biết xin phép ở đâu (?!)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ các “nhà hàng nổi” ở Khu Du lịch Long Sơn đều là những nông dân chân chất, sau nhiều lần nuôi trồng thủy sản trúng mùa, họ cùng góp vốn để kinh doanh. Tuy nhiên, việc xây dựng những “nhà hàng nổi” này không hề có phép.
Ông Lý Bửu Hối (chủ làng bè ẩm thực Long Sơn) thật thà: “Chúng tôi tự làm chứ có ai cấp phép gì đâu”. Còn bà Trần Thị Hương (chủ “nhà hàng nổi” Đực Nhỏ) nói: “Nông dân tự làm nên an toàn hay không là do mình”.
Những người này cho biết “nhà hàng nổi” của họ được tạo dựng từ 3-4 năm nay. Từ ý tưởng, tiêu chuẩn thiết kế cho đến độ an toàn của công trình đều do… kinh nghiệm mà ra.
Cách đây mấy năm, có một vài đơn vị đến xử phạt và buộc phải tháo dỡ nhưng sau đó cũng được bỏ qua. “Lúc bắt đầu xây dựng làng bè, chúng tôi cũng muốn xin phép nhưng… chẳng biết xin ở đâu” – bà Hương nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Lâm, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết cách đây khoảng 2 năm, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã có đợt kiểm tra, xử phạt hai “nhà hàng nổi” trên và buộc phải tháo dỡ nhưng chủ các nhà hàng không chấp hành.
“Vì mỗi bộ phận chịu trách nhiệm ở từng lĩnh vực khác nhau nên cũng khó xử lý, riêng chúng tôi chỉ có thẩm quyền giải quyết vấn đề vi phạm luồng lạch trên sông mà thôi” – ông Lâm nói.
TPHCM chấn chỉnh tàu du lịch
Thanh tra Sở GTVT và Phòng CSGT Đường thủy TPHCM vừa kết thúc đợt kiểm tra các tàu du lịch đang hoạt động trên sông Sài Gòn. Theo kết quả kiểm tra, hầu hết các tàu đều trang bị đầy đủ thiết bị cứu sinh, cứu hỏa. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu để áo phao dưới gầm bàn nhưng không ghi bản hướng dẫn cho du khách biết. Sau khi được nhắc nhở, các tàu đã ghi bản hướng dẫn dán ở những vị trí dễ thấy trên tàu, đồng thời áo phao cũng được treo trên thành tàu. A.Nguyệt |
Tàu Dìn Ký không đụng đá ngầm
Sáng 26-5, tàu Dìn Ký lại bị chìm một lần nữa tại cảng Bà Lụa (Bình Dương) do lỗ thủng được thợ lặn trám trước đó bị bục ra khiến nước tràn vào khoang máy.
Về thông tin tàu Dìn Ký va phải đá ngầm, ông Nguyễn Văn Sỹ (đội thợ lặn tư nhân ở quận 2-TPHCM - đơn vị trực tiếp trục vớt tàu) khẳng định: “Tàu không bị va đá ngầm. Mấy ngày lặn sát đáy tàu, chúng tôi không thấy tảng đá nào”. Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc cảng Bà Lụa, cũng khẳng định dưới đáy sông khu vực tàu bị nạn không có đá ngầm.
Lý giải nguyên nhân vết nứt chạy dọc mạn tàu, nhiều người cho rằng có thể do va đập khi trục vớt hoặc khi tàu chìm. Ngoài ra, không loại trừ phần gỗ trên tàu đã bị mục.
N.Phú |
Bình luận (0)