xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đua xe, “đinh tặc” gây bức xúc

Quý Hiền - Ánh Nguyệt

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập kéo thành đoàn lạng lách, rú ga, biểu diễn xe máy ngày càng xấu đi. Nạn rải đinh bẫy người đi đường chưa có biện pháp xử lý hiệu quả

img
Đại biểu Trần Văn Thiện (trái) chất vấn đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, xung quanh nạn rải đinh. Ảnh: Tấn Thạnh
Trọn ngày 8-12, ngày làm việc thứ ba kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa VIII, các đại biểu (ĐB) đã tập trung chất vấn lãnh đạo các sở, ngành xung quanh nhiều vấn đề đang gây lo lắng, bức xúc đối với người dân TP.

Xử lý hình sự mới trị được đua xe

Trả lời câu hỏi của một số ĐB vì sao tình trạng đua xe chưa kiểm soát được, đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, cho biết từ cuối năm 2010 đến nay, các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập kéo thành đoàn lạng lách, biểu diễn, rú ga, có thể đua vào bất cứ lúc nào chứ không nhất định là thứ bảy, chủ nhật như trước. Quy mô đua xe cũng nhiều hơn, có nhiều đoàn “quái xế” bị bắt giữ hơn trăm chiếc.

Đại tá Minh thừa nhận: “Thực ra, việc cưỡng chế đối tượng đua là rất khó, việc thu giữ phương tiện cũng là áp lực cho lực lượng công an vì không còn chỗ để xe. Vì vậy, nếu cứ tiếp tục chế tài kiểu này thì sẽ không răn đe được đối tượng và họ có nguy cơ tái phạm cao”. Từ khó khăn này, đại tá Minh thẳng thắn: “Tựu trung là việc xử lý không nghiêm nên đến nay, công an tốn rất nhiều công sức mà vẫn chưa giải quyết triệt để!”.

 Nói vậy nhưng không phải là hết cách, hiện Công an TP cùng Công an quận 7 và Công an quận Bình Thạnh đang củng cố chứng cứ để xử lý một số đối tượng đua xe nổi cộm. Tuy nhiên, theo đại tá Minh, ở quận 7 không thể đưa ra xét xử do VKSND không đồng ý; còn  ở Bình Thạnh thì đang chuẩn bị xét xử 2 vụ với 5 bị can, trong đó có một du học sinh từ Úc về cũng tham gia và hiện đã bị cấm xuất cảnh. “Đây được xem là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết nạn đua xe trên địa bàn TP” - đại tá Minh nhấn mạnh.

Ba giải pháp ngừa “đinh tặc”

ĐB Trần Văn Thiện hỏi đại tá Phan Anh Minh: Nạn rải đinh thời gian qua là rất nghiêm trọng nhưng tại sao chỉ có “hiệp sĩ” và người dân phát hiện, còn công an lại không? Vậy Công an TP xử lý ra sao với nạn “đinh tặc”? ĐB Cao Thanh Bình truy tiếp: “Lực lượng công an bắt bao nhiêu vụ, xử lý thế nào? Thực tế, Công an quận Thủ Đức có bắt “đinh tặc” nhưng rồi lại thả ra, chẳng lẽ không có liều thuốc nặng để trị vấn nạn này?”.

Đại tá Minh cho biết: Hầu hết các nạn nhân đều không trình báo công an, ngay cả khi phát hiện có 3 vụ bị cán đinh trên địa bàn quận Thủ Đức và khi công an quận vận động người dân trình báo thì  không ai đến. Qua 3 vụ phát hiện tại Thủ Đức, đã xử lý phạt hành chính 1 vụ, 2 vụ phải thả để tiếp tục củng cố chứng cứ. “Hai vụ thả cũng là tạm thời để tiếp tục thu thập chứng cứ xử lý vì chưa đủ căn cứ khởi tố chứ không phải là không xử lý”- đại tá Minh khẳng định và cho biết nếu có đủ chứng cứ, Công an TP sẽ yêu cầu khởi tố ngay.

Về phòng ngừa “đinh tặc”, đại tá Minh đưa ra 3 giải pháp cụ thể. Thứ nhất, kiên quyết không cho đăng ký kinh doanh vá xe nếu không rõ nhân thân, điều kiện kinh doanh không bảo đảm và người kinh doanh phải cam kết nếu phát hiện có vật nhọn đồng dạng ở khu vực gần nơi kinh doanh thì phải báo công an ngay. Thứ hai, kết nối  thông tin bằng cách thu thập từ những người bị “dính” vật nhọn để xác định nơi nào có rải đinh, tổ chức quét và thu gom. Thứ ba, học tập kinh nghiệm của tỉnh Bình Dương về xử lý nạn rải đinh.

Cũng theo đại tá Minh, để tội danh có thể xử lý được thì phải là cố ý  hủy hoại, phá hoại tài sản với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, trong khi thực tế một vỏ-ruột xe bị thủng cũng không đến mức này.  Cái cần hiện nay để chắc tay xử lý tội phạm rải đinh là phải có tiêu chí “như thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Minh gợi ý câu trả lời cho tiêu chí này là “gây tâm lý bất an cho người điều khiển phương tiện giao thông trong một thời gian, đoạn đường nhất định”.

Dù chưa giải quyết thỏa mãn hết những thắc mắc của ĐB song phần trả lời của đại tá Phan Anh Minh trong gần 1 giờ được xem là thuyết phục vì rất cụ thể và rõ ràng.

Ô nhiễm môi trường vẫn là “bức tranh tối”

Trong buổi sáng cùng ngày, chất vấn về vấn đề ô nhiễm môi trường, hai ĐB Nguyễn Văn Bá và Lâm Đình Chiến đặt câu hỏi: Trên địa bàn TP hiện còn bao nhiêu doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư có giấy phép kinh doanh, bao giờ di dời những cơ sở này? “Hiện chỉ còn hơn 30 cơ sở phải di dời. Các cơ sở này đều tồn tại lâu đời và gắn với đời sống người dân nên khi di dời phải có biện pháp. Vì vậy, xin bà con cử tri thông cảm, chúng tôi kiên quyết di dời xong các cơ sở này vào năm 2015”- ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, hứa.

ĐB Huỳnh Công Hùng chất vấn: “Có bao nhiêu trạm quan trắc ô nhiễm không khí tại TPHCM và các địa bàn giáp ranh Đồng Nai, Bình Dương?”. Vòng vo một hồi, ông Kiệt mới cho biết: “TP có 9 trạm quan trắc được đầu tư từ những năm 1990, hiện đã xuống cấp trầm trọng và đang xin UBND TP được đầu tư bằng nguồn vốn nước ngoài. Ở vùng ven chỉ có 2 trạm”. ĐB Võ Văn Sen nêu câu hỏi: “Có phải chúng ta đang buông lỏng vấn đề liên kết với các tỉnh bạn trong việc kéo giảm ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn? Trong năm qua, chúng ta đã làm gì để hiệu quả hóa các chương trình bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn cho TP?”. Ông Kiệt chuyển vấn đề này sang cho Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai: “Nếu anh Sen muốn thì chúng tôi sẽ có báo cáo riêng cho anh về vấn đề này!”.

Hôm nay (9-12), kỳ họp bế mạc.

Dự án chờ... tiền!

Đăng đàn trả lời chất vấn về các dự án liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục chuyển tiếp thực hiện trong năm 2011, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, ông Thái Văn Rê, không ít lần phải cần đến sự “hỗ trợ” của các sở GD-ĐT, y tế vì “ĐB hỏi cụ thể quá nên không… nhớ hết”.

Theo ĐB Huỳnh Công Hùng, nghị quyết của HĐND TP có nêu đến năm 2012, TP cơ bản hoàn thành chương trình xây trường mầm non. Lẽ ra trong năm 2011, TP phải triển khai 48 dự án nhưng đến tháng 8, số dự án này mới hoàn thành thủ tục. “Liệu 48 dự án này có thể triển khai trong năm 2012 không?”- ĐB Hùng hỏi. Ông Rê đáp: “Dự án nào đã được ghi vốn thì cứ khởi công, còn dự án nào đang làm thủ tục thì cứ thực hiện các bước tiếp theo và khi nào TP có tiền sẽ rót kinh phí”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo