Ngày 25-6, Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã chủ trì hội thảo tham vấn xây dựng quy hoạch bảo vệ lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với sự tham gia của đại diện 11 tỉnh, thành nằm trong lưu vực sông này cùng các nhà chuyên môn.
Hạ nguồn: “Vắt kiệt sức”
Môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đặc biệt là đoạn chảy qua 6 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đánh giá ngưỡng chịu tải đoạn từ đập thủy điện Trị An đến cửa Soài Rạp của Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) - Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam cho thấy dòng sông gần như không còn khả năng chịu đựng ô nhiễm.
Cụ thể, không còn khả năng tiếp nhận nước thải chứa các chỉ tiêu vượt ngưỡng: TSS, COD, BOD, amôni, ni-tơ và phốt pho, trong khi đoạn sông này chủ yếu tiếp nhận nước thải từ các nhà máy, KCN, làng nghề.
Vấn đề bảo vệ sông Đồng Nai vẫn đang được đặt trên “bàn cân” với lợi ích kinh tế của các địa phương
Riêng đoạn từ hợp lưu sông Sài Gòn đến cửa Soài Rạp còn chịu ảnh hưởng của nước triều: Khi nước triều dâng cao, khả năng tiếp nhận ô nhiễm gần như không còn nhưng lại là lúc phải tiếp nhận quá nhiều tải lượng ô nhiễm.
Vì thế, ENTEC lưu ý các địa phương nằm trong đoạn sông này về vai trò của các van ngăn triều cũng như quy định thời gian xả thải cho các cơ sở sản xuất.
Mặt khác, kết quả dự báo diễn biến ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn 2015-2020 cho thấy ô nhiễm do chất thải không ngừng gia tăng từ 1,04-2,61 lần, ở tất cả các loại nước-khí-chất thải rắn.
Các địa phương có thải lượng ô nhiễm tăng nhanh và nhiều nhất là TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương. Bên cạnh các nguồn ô nhiễm nội tại, ba địa phương này còn gánh chịu một lượng thải ô nhiễm lớn từ thượng nguồn đổ về.
Thượng nguồn: Không chịu thua!
Riêng các địa phương đầu nguồn, dù ý thức được ảnh hưởng của phát triển công nghiệp với sự an toàn của rừng đầu nguồn bảo vệ sông Đồng Nai, song vẫn phải đắn đo lựa chọn giữa môi trường và kinh tế.
Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho biết mật độ bao phủ rừng của tỉnh này đạt từ 51%- 69% nhưng kinh phí thu từ dịch vụ môi trường rừng lại không cao và không thể bù đắp cho việc bảo vệ, phát triển rừng.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng khó kêu gọi xã hội hóa để bảo vệ môi trường: Bãi rác tại TP Đà Lạt hơn 5 năm vẫn chưa kêu gọi được đầu tư vì ai cũng trông vào ngân sách là một minh chứng cụ thể.
Do vậy, tỉnh này không thể chỉ “ngồi yên” để bảo vệ rừng. “Từ nay đến năm 2020, nếu không đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, Lâm Đồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - đại diện tỉnh Lâm Đồng khẳng định.
Tương tự, đại diện Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông cho rằng tỉnh đang bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề vì thủy điện: thiếu nguồn nước, sạt lở và nông dân mất đất sản xuất…, vì vậy, bắt buộc phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp để thu hút đầu tư.
“Nếu cứ bắt đầu nguồn bảo vệ rừng cho các địa phương cuối nguồn sản xuất thì đầu nguồn sống thế nào đây? Đắk Nông kiến nghị xem xét lại chính sách rừng đầu nguồn cũng như cơ chế tài chính trong kế hoạch bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai” - đại diện tỉnh Đắk Nông nói.
Quy hoạch khó khả thi!
ENTEC cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đơn vị này đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ với 24 dự án cụ thể.
Tổng kinh phí thực hiện trên 700 tỉ đồng gồm vốn ngân sách Chính phủ rót cho Bộ TN-MT, vốn vay ưu đãi nước ngoài thông qua Bộ Tài chính, ngân sách địa phương và xã hội hóa. Trong đó, vốn từ ngân sách chỉ sử dụng đầu tư hệ thống xử lý chất thải tập trung tại các khu dân cư, khu đô thị. Còn các cơ sở sản xuất phải tự bỏ vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng quy hoạch của ENTEC quá dàn trải và khó triển khai thực hiện. Đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đầu tư cho môi trường trên 100 tỉ đồng/năm nhưng năm nào HĐND tỉnh cũng đánh giá chưa đạt vì tình trạng xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn quá ngổn ngang: 19/31 KCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, 1/10 bãi rác có đầu tư xử lý đạt tiêu chuẩn, 61% chất thải nguy hại được xử lý…
“Đến 10 năm nữa, không chỉ Đồng Nai mà chắc chắn các địa phương khác cũng không thể sạch, đẹp được như mục tiêu các chuyên gia đưa ra. Bên cạnh đó, cả nước đang thực hiện chính sách tiết kiệm thì kênh vốn nào để huy động được 700 tỉ đồng? Đơn vị tư vấn nên đưa ra một kế hoạch khiêm tốn hơn, chọn một vài chương trình, dự án thật cụ thể để các địa phương có thể thực hiện hơn là đầu tư dàn trải…” - đại diện tỉnh Đồng Nai góp ý.
Các địa phương cũng kiến nghị đơn vị tư vấn và Bộ TN-MT làm rõ hiện trạng và dự báo khả năng chịu tải môi trường sông Đồng Nai ở thượng nguồn và hạ nguồn để các địa phương này có cơ sở cấp phép cho loại hình sản xuất phù hợp.
Đồng tình với kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh quy hoạch bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai cần mang tính hệ thống và cân đối với phát triển kinh tế.
Ngoài ra, ông Tuyến cũng cho biết Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 sẽ được sửa đổi theo hướng quy các hướng dẫn liên quan đến môi trường về Bộ TN-MT, giải quyết sự không đồng bộ giữa các bộ luật cũng như giảm tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, địa phương. Bộ TN-MT cũng đã trình lên Chính phủ phương án tăng ngân sách sự nghiệp môi trường từ 1% lên 2%.
80% KCN – KCX phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có diện tích tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam là 37.400 km2, dân số 18,8 triệu người, bao gồm 11 tỉnh, thành.
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 với một số mục tiêu cụ thể: 80% KCN-KCX và 40% khu đô thị trong lưu vực phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ngoài ra, phải thu gom xử lý được 90% chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, 70% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế. |
Bình luận (0)