Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, các đơn vị nghiên cứu… của 4 nước thành viên Ủy ban sông Mê Kông (MRC) gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia cùng một số quốc gia quan tâm.
“Bỏ quên” đánh giá tác động môi trường
Thủy điện Don Sahong được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông (đoạn chảy qua vùng Siphandone thuộc Nam Lào). Với công suất thiết kế 260 MW, sản lượng điện hằng năm khoảng 2.375 MW từ thủy điện này dự kiến sẽ bán chủ yếu cho Thái Lan. Chủ đầu tư dự án là Công ty Mega First Corporation Berhad (Malaysia).
Phát biểu tại hội nghị, đại diện Liên minh Cứu sông Mê Kông nêu rõ sông Mê Kông là một hệ sinh thái mang tính biểu tượng toàn cầu, có giá trị đối với đời sống và sinh kế của người dân 4 nước. Các tác động của thủy điện Don Sahong sẽ ảnh hưởng đến sự di cư của cá và năng suất thủy sản, đồng thời đặt hàng triệu người vào một tương lai bấp bênh. Thế nhưng, đánh giá tác động môi trường không đề cập các mối đe dọa đối với nghề cá của khu vực. Chủ đầu tư cũng không cung cấp thông tin xác định những biện pháp giảm thiểu với mục tiêu hướng đến cách thiết kế các kênh phù hợp với sự di cư của từng loài cá.
Mặc dù thủy điện Don Sahong được xây dựng cách Campuchia chưa đầy 2 km nhưng tác động xuyên biên giới của dự án chưa được xem xét một cách đầy đủ. Việc xây dựng và vận hành thủy điện này sẽ làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn trong khu vực: lượng nước chảy qua kênh Hou Sahong chỉ từ 4%-50% trong mùa khô sẽ gây khô hạn nặng. Những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến khu vực thác Khone nổi tiếng và đe dọa đến toàn bộ các khu vực ngập nước ở tỉnh Stung Treng Ramsar, hạ nguồn Campuchia... Khi đại diện Ủy ban Mê Công Campuchia đặt vấn đề: “Liệu chủ đầu tư có nghiên cứu những tác động của thủy điện này đến Campuchia hay chưa thì phía nhà đầu tư thú thật là chưa vì không có thông tin. “Những người thực hiện dự án đã quá nghèo thông tin và có những hạn chế nhất định kiến thức về nghề cá trên sông Mê Công” - đại diện Ủy ban Mê Công Campuchia đánh giá.
Ngoài ra, những thất bại trong hợp tác khu vực và chi phí lợi ích không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định về kinh tế và chính trị. “Chúng ta đang đặt cược sự tồn vong của dòng sông và hàng triệu con người vào một canh bạc. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi chính phủ Lào hãy hủy bỏ việc xây dựng thủy điện Don Sahong” - đại diện Liên minh Cứu Mê Kông nói.
Cần trì hoãn ít nhất 10 năm
Tham gia hội nghị, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã chuyển tải ý kiến của người dân ĐBSCL. Trước đó, 15 hội thảo tham vấn đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 người dân đến từ nhiều nơi với nhiều ngành nghề khác nhau. Người dân ĐBSCL cho rằng việc sử dụng nguồn nước chung từ sông Mê Kông của một quốc gia không thể chỉ theo quyết định của quốc gia đó và gây tổn hại cho các quốc gia khác. Điều này cũng giống như thế giới không thể chấp nhận việc một quốc gia thượng nguồn tự ý bỏ rác ra sông và các quốc gia vùng hạ lưu phải gánh chịu. 100% đại biểu tham dự hội thảo tham vấn đều phản đối việc xây dựng thủy điện Don Sahong.
“Chính phủ các nước hạ lưu khu vực sông Mê Kông cần lắng nghe ý kiến của người dân. Hãy trì hoãn các quyết định về việc phát triển các thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ít nhất 10 năm để tiến hành thêm các nghiên cứu sâu, tìm ra những giải pháp tránh các tác động không thể cứu vãn” - đại diện VRN đề nghị.
Sau hội nghị, MRC sẽ hoàn tất báo cáo kỹ thuật về quá trình tham vấn trước để chuẩn bị cho cuộc họp của Ủy ban liên hợp MRC. Đầu tháng 1-2015, MRC sẽ tổ chức hội thảo tham vấn trước vòng 3. Đến cuối tháng 1- 2015 sẽ có ý kiến thông báo chính thức của 4 quốc gia thành viên về quá trình tham vấn trước thủy điện Don Sahong. Dự kiến đến tháng 2-2015, MRC sẽ có quyết định chính thức đối với dự án thủy điện này.
WWF tẩy chay hội nghị tham vấn
Thời báo Campuchia ngày 12-12 thông tin Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã (WWF) đã tuyên bố tẩy chay hội nghị tham vấn vùng về thủy điện Don Sahong 1 ngày trước khi nó diễn ra. Tổ chức này cáo buộc những người đứng đằng sau dự án đã phớt lờ các tác động tiềm ẩn có thể gây ra đối với người dân Campuchia, nghề cá và loài cá heo quý hiếm Irrawaddy. “Không có bất cứ dấu hiệu rõ ràng nào từ MRC về ý nghĩa và hiệu quả mong đợi của đợt tham vấn. Qua đó cho thấy thủy điện Don Sahong sẽ được xây với bất cứ giá nào. Chúng tôi thấy có sự hạn chế về quyền lợi của các bên tham dự hội nghị tham vấn này” - ông Seng Teak, Giám đốc Bảo tồn vùng Mê Kông của WWF, nói.
Bình luận (0)