Từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng chẳng bao lâu Việt Nam đã bị Thái Lan rồi Ấn Độ và cả Campuchia qua mặt. Mới nghe ai cũng cảm thấy sốc, nhưng nghĩ lại thì đây là điều hiển nhiên. Bởi, trong khi các nước luôn đổi mới, có những bước đầu tư phát triển ngành nông nghiệp bài bản thì nghành nông nghiệp của chúng dậm chân tại chỗ gần 20 năm qua.
Nông dân mãi lao đao
Gần 20 năm qua các quan chức ngành nông nghiệp Việt Nam hầu như chẳng có bước đột phá hoặc có kế hoạch hiệu quả nào đáng kể để phát triển ngành nông nghiệp. Quan trọng hơn, thời gian gần 20 năm này các công ty xuất khẩu gạo ngoài việc kiếm lợi nhuận kết xù từ người nông dân thì nói chung chẳng có kế hoạch gì để nâng vị thế hạt gạo. Hình ảnh dễ thấy nhất là các Tổng công ty lương thực giàu có kết xù, còn người nông dân kiếm ăn vất vả, con cái nghèo đói ngay trên chính mảnh ruộng tươi tốt của mình.
Ruộng đồng phì nhiêu nhưng nông dân vẫn còn khổ. Ảnh: Thanh Lâm
Bạn đọc Nguyễn Sơn Lâm, tự nhận là người trồng lúa ở tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Trồng lúa bây giờ chủ yếu là để khỏi bị đói khi đến giáp hạt chứ chẳng có lợi nhuận gì. Tiền phân bón, thuốc trừ sâu, thuê máy móc... chiếm hết lợi nhuận. Nai lưng ra cả mùa nhưng huề vốn là đã mừng bởi có hạt gạo cho con cái ăn qua ngày. Trong vườn trồng thêm ít rau, cây ăn trái, nuôi bầy gà... để đắp đổi qua ngày”.
Cùng tâm trạng này, bạn đọc Trần Công Thìn, nói thêm: Cày bừa cả mùa nhưng khi thu hoạch thì bán hạt lúa chẳng được mấy đồng. Thương lái, các công ty lương thực có đủ “chiêu” ép giá, nào là giá lúa thế giới xuống, không có kho lưu trữ, tiền vận chuyển cao... để kiếm lợi nhuận cao nhất trên mồ hôi và cả nước mắt của nông dân.
“Trồng cả mấy héc ta lúa nhưng khi con bước vào đại học, cả nhà nháo nhào chạy vạy khắp nơi cũng không đủ tiền cho con nhập học. Tiền trường, tiền trọ, mua sắm sách vở đầu năm hơn 30 triệu đồng. Bán 5 tấn lúa cũng chẳng đủ, phải bán thêm lứa heo mới tạm ổn. Nhưng như thế thì cả năm còn lại cả nhà sẽ bị hụt hẫng nhiều khoản khác, phải vay tạm ngân hàng chờ tính sau” - bạn đọc Công Thìn kể.
Ngày càng tụt hậu
Người có ruộng còn đỡ, hàng chục vạn nông dân không có ruộng phải làm thuê trên những cánh đồng ở cả 3 miền tình cảnh còn bi đát hơn. Đến giờ nhiều người còn chẳng có nổi một căn nhà che mưa nắng, con cái thất học. Thế nhưng trái ngược hình ảnh trên là sự giàu có của những công ty lương thực, của những người lãnh đạo các công ty này.
Theo số liệu kiểm toán vào năm 2013 tại Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho thấy lương những lãnh đạo của Vinafood 2 gần 1tỉ đồng/người/năm; của lãnh đạo Vinafood 1 là gần 700 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó thì việc làm ăn tại Vinafood 2 lỗ thê thảm, sau đó các cơ quan chức năng siết chặt, giảm thu nhập của những lãnh đạo các tổng công ty trên.
Kiếm đủ ăn trên cánh đồng của mình vẫn còn là điều khó khăn với người nông dân. Ảnh: Thanh Lê
Nhiều nhà khoa học tâm huyết đã có không ít lần góp ý về chính sách phát triển nông nghiệp nhưng hầu như chẳng được áp dụng mấy. Xuất khẩu gạo nhiều nhưng lợi nhuận không cao, thương hiệu gạo không có. Quan trọng là số đông người dân nông thôn sống dựa vào hạt lúa nhưng đời sống của họ bao năm qua không được cải thiện nhiều.
“Không thể nghi ngờ gì nữa, năng lực của những người lãnh đạo ngành nông nghiệp trong bao nhiêu năm qua là quá hạn chế. Nhiều chính sách về nông nghiệp không có giá trị thực tế. Nếu chúng ta không có chính sách tốt thì hãy học hỏi các nước lân cận, thậm chí là ngay cả Camphuchia. Đừng ngủ quên trên quá khứ xa vời và khư khư giữ những điều kém cỏi. Bởi như thế thì người nông dân còn khổ dài dài trên cánh đồng của mình và kéo theo đó là bao hệ lụy xã hội khác” - bạn đọc lấy tên Hai Lúa, nhìn nhận.
Bình luận (0)