xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết

Ph. Nhung

(NLĐO)- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Hồng Tịnh cho biết dừng lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vì yêu cầu công nghệ cao dẫn đến tính khả thi của dự án kém.

Sáng 10-11, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) đã trao đổi với báo chí bên hành lang QH về vấn đề dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, ông Tịnh cho hay việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chủ yếu là ở tính khả thi của dự án không còn. Giá điện trước đây khoảng 4,9 cent/Kwh nhưng nay đã lên tới 8 cent/Kwh mà còn chưa tính đủ hết các yếu tố như đội vốn nếu dự án triển khai chậm. “Vấn đề giải quyết chất thải hạt nhân khi triển khai dự án cũng là chuyện cần bàn, nhất là sau một số sự cố môi trường chúng ta vừa trải qua”- ông Tịnh cho biết thêm.


Ông Lê Hồng Tịnh cho rằng việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết

Ông Lê Hồng Tịnh cho rằng việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân tích thêm ở thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển điện hạt nhân thì kinh tế đang tăng trưởng cao với mức bình quân 7%-8%/năm, dự kiến phương án tăng trưởng có thể lên tới 9-10%. Tính toán tỉ lệ phát triển điện so với GDP thì GDP tăng trưởng 1, điện sẽ tăng 2. Ví dụ tăng trưởng GDP đạt 8% thì điện tăng trưởng 16%…. Trong khi nhu cầu điện trong nước cao, các dạng năng lượng khác đã tới hạn thì cũng phải tính tới phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng kinh tế đã thấp hơn, chỉ dao động 6%-7%/năm.

“Hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển nên hạn chế tiêu tốn năng lượng; tổn hao ngành điện trước đây rất lớn khoảng 8-10% nhưng hiện chỉ còn 5-6% và còn xuống nữa. Từ nay tới 2021 điện vẫn đáp ứng tốt nhu cầu trong nước”- ông Tịnh chỉ rõ.

Ngoài ra, hiện nay, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp, ở mức chỉ trên dưới 5 cent/KWh và Việt Nam đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu….

Cùng đó, theo nhiều dự báo thì giá dầu khó có thể vượt 50 USD/thùng nên nguồn thay thế là khí LPG sẽ có giá thành hợp lý, đây cũng là nguồn nguyên liệu sạch thì chúng ta có thể nhập để phát điện.

“Dừng hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng. Tất nhiên, không đầu tư điện hạt nhân thì có thể đầu tư cái khác để đảm bảo nguồn điện. Một số nước đã nhập máy móc thiết bị rồi còn dừng, mà như thế còn lãng phí nhiều nữa. Dừng ở thời điểm này là đúng lúc cần thiết phải dừng” - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm.

Liên quan đến nguồn nhân lực đã được đưa đi đào tạo, ông Lê Hồng Tịnh cho hay trước mắt chưa dùng vào lĩnh vực điện hạt nhân được thì có thể dùng cho các tổng công ty phát điện, các nhà máy điện đang triển khai bởi thực tế điện hạt nhân với các dạng nhà máy nhiệt điện khác cũng có công nghệ tương tự mà chỉ khác về nguồn sinh nhiệt. “Nói chung vẫn sử dụng vì trước khi đưa con em đi đã chọn những người có trình độ cao rồi nên cái này cũng rất quan tâm, một trong những cách là phải sử dụng tối đa nguồn nhân lực này, không để lãng phí”- ông Tịnh nói.

Ông cũng xác nhận thông tin đến nay đã tiêu tốn vào điện hạt nhân hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Tịnh, nếu tiếp tục thì còn tiêu tốn nữa. “Đúng là tiêu tốn rồi nhưng cái gì cũng có giá của nó. Nếu dừng mà hợp lý hơn thì còn tốt hơn là tiếp tục mà hậu quả lại còn gây những cái lớn hơn nữa thì tác động còn lớn hơn nữa. Có những cái phải chấp nhận hy sinh như vậy” - ông Lê Hồng Tịnh cho hay.

Ông cũng nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực thì chúng ta sớm muộn cũng phải đào tạo, còn hạ tầng mà trước đây đã làm cho điện hạt nhân thì có thể dùng để làm những việc khác, ví dụ giải phóng mặt bằng làm những dạng như điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp..

Giải thích thêm về việc dừng dự án, đại diện Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cho hay việc đội vốn gấp đôi so với dự kiến ban đầu do yêu cầu công nghệ cao, tiên tiến, an toàn đã khiến tính khả thi của dự án kém. “Tại sao cao thế? Vì sau khi sự cố Fukushima thì ta đưa trong Quyết định 41 là yêu cầu công nghệ cao, tiên tiến, an toàn thì đương nhiên giá cao. Mình đặt mục tiêu an toàn lên qúa cao thì tổng mức đầu tư nó phải lên”- ông lý giải.

Vị đại biểu cũng cho biết trên thế giới, nhiều nước cũng phải dừng các dự án điện hạt nhân mặc dù có thể đã chuẩn bị để thực hiện vởi vấn đề công nghệ cao, đầu tư lớn, vấn đề an ninh, vấn đề chất thải, cụ thể là xử lý môi trường, lưu trữ, tích trữ chất thải ở đây không phải dễ.

Với việc dừng lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có tổng vốn dự kiến 200.000 tỉ đồng nhưng sau đội lên hơn 400.000 tỉ đồng, ông Tịnh cũng chia sẻ: “Đây là bài học rất là cay đắng trong chuyện này. Lúc đó giá dầu cao như thế, nghĩ điện hạt nhân là cứu cánh vì năng lượng hoá thạch giá cao. Càng ngày về sau diễn ra như này mình phải chấm dứt ngày càng sớm càng tốt chứ mà để thêm đầu tư, nhập thiết bị nữa càng nguy hiểm nữa, không làm nữa thì tốn kém gấp bội”.

Ông Tịnh cũng cho rằng việc Chính phủ đề xuất dừng dự án là rất “dũng cảm”. "Đúng là phải chịu trách nhiệm. Phải cố gắng. Không dám đứng ra, không chịu trách nhiệm thì cứ để diễn ra sau này còn nguy hiểm nữa. Đấy là cái dũng cảm của Chính phủ. Còn cái gì mà khi đặt ra thì cũng nhiều cái tranh luận, nhiếu phía, nhiều chiều, cái gì phân tích hợp lý và còn có sự quyết định của QH nữa”- ông nói.

Theo chương trình họp QH, chiều nay 10-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết.

Vào chiều 14-11, QH sẽ họp riêng để thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ trả lời ý kiến của đại biểu QH về dự thảo nghị quyết này.

Ngày 25-11-2009, QH ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy. Nhà máy 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; nhà máy 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tổng công suất của 2 nhà máy là 8.000 MW. Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy 1 và Nhật Bản xây dựng nhà máy 2. Tổng vốn ước tính đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận khi đó vào khoảng 200.000 tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo