Chiều 23-9, tại UBND phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, đại diện Bộ Công an do đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (V28), làm trưởng đoàn, đã tổ chức lễ truy tặng, trao tặng bằng khen cho anh Nguyễn Xuân Chinh và anh Nguyễn Quang Vinh.
Dũng cảm hy sinh
Cùng với bằng khen, Bộ Công an còn hỗ trợ gia đình anh Chinh 10 triệu đồng, anh Vinh 5 triệu đồng. Ngoài ra, Tổng cục Cảnh sát cũng hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình anh Chinh. Nhân dịp này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đã ủng hộ tổng số tiền khoảng 70 triệu đồng cho CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa và hai anh Chinh, Vinh.
Trước đó, trong báo cáo đề nghị Bộ Công an khen thưởng đột xuất cho Chinh và Vinh, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã tường trình khá chi tiết hoàn cảnh anh Chinh tử nạn.
Theo báo cáo trên, rạng sáng 31-8, anh Chinh lấy xe máy chở Vinh đi cùng tổ tuần tra gồm 4 cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Thủ Dầu Một. Khi gặp một đối tượng đầu cạo trọc không đội mũ bảo hiểm, tay cầm mã tấu, tổ tuần tra ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, đối tượng bỏ chạy. Hai anh cùng lực lượng công an truy đuổi đến ngã tư Cây Điệp, thuộc xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một thì bị tai nạn.
Đại tá Huỳnh Ngọc Phương trao bằng khen của Bộ Công an cho
ông Nguyễn Xuân Chu, cha của anh Nguyễn Xuân Chinh. Ảnh: NHƯ PHÚ
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương xác nhận trước đây, anh Chinh có tham gia CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa. Chỉ trong 6 tháng, anh được giám đốc công an tỉnh nhiều lần tặng giấy khen vì thành tích truy bắt tội phạm.
Cuối năm 2007 đến giữa năm 2008 vì hoàn cảnh gia đình, anh Chinh không tiếp tục tham gia hoạt động CLB. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh có chơi thân với “một số anh em của Công an thị xã Thủ Dầu Một và có theo hỗ trợ tuần tra”.
Chính những xác nhận trên đã đánh bật tin đồn ác ý xuất phát từ người đứng đầu một cơ quan hữu trách của thị xã Thủ Dầu Một rằng Chinh và Vinh gặp tai nạn trong lúc đi chơi đêm chứ không phải đi tuần tra và bản thân Chinh đã không còn nuôi “dòng máu hiệp sĩ”.
“Hiệp sĩ” bật khóc
Thay con nhận bằng khen của Bộ Công an, ông Nguyễn Xuân Chu nhắn nhủ các hiệp sĩ trong CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa hãy giữ vững khí tiết và mưu trí hơn nữa trong những cuộc truy đuổi bọn xấu để không đoản mệnh.
Tới phần phát biểu của mình, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Trưởng CLB Phòng chống tội phạm, đang nói bỗng bật khóc ngay trong buổi lễ khi nhắc đến những khó khăn chồng chất trong hành trình bắt cướp của CLB. Hải kể: “Để rượt bắt tội phạm, tôi cùng đồng đội luôn phải chạy xe với tốc độ trên 100km/giờ.
Tội phạm thường xuyên thủ sẵn dao bên mình, hơi cay, súng tự chế... và sẵn sàng ra tay bất cứ lúc nào. Chính bản thân tôi đã từng bị bọn ăn cắp xe đâm trọng thương phải đi cấp cứu”. Để có thể trụ được với nghiệp này, các anh còn phải chịu rất nhiều áp lực từ phía gia đình, xã hội. “Nếu không có quyết tâm bắt cướp đã ngấm sâu vào máu, chúng tôi không thể vượt qua được những áp lực ấy”- anh Hải chia sẻ.
Nhằm giải tỏa bớt những khó khăn mà các “hiệp sĩ” đang gặp phải, có mặt tại buổi lễ, đại tá Mai Công Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, đã chỉ đạo các đơn vị công an trực thuộc trong tỉnh phải thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế rủi ro cho các hiệp sĩ. Đại tá Danh nhấn mạnh: Lực lượng công an ngoài việc hỗ trợ tích cực cùng các “hiệp sĩ” truy bắt tội phạm còn có thể dạy võ cho các anh.
Ngoài ra, Công an thị xã Thủ Dầu Một, công an các huyện cần nghiên cứu, báo cáo phương án đưa các “hiệp sĩ” vào một tổ chức thuộc hệ thống bảo vệ an ninh cơ sở để Nhà nước có thể cấp lương, hỗ trợ kinh phí cho các anh hoạt động.
Đại tá Huỳnh Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Bộ Công an:
Luôn theo sát, quan tâm các nhóm tự quản
Hiện chúng ta có 3 mô hình tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm: Lực lượng có sẵn như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...; lực lượng liên kết (các tổ chức trên hợp lại cùng chống tội phạm) và các CLB tự quản (ngoài cơ chế). Với hai mô hình đầu thì việc giải quyết chế độ chính sách dễ dàng vì đã có quy định cụ thể. Riêng nhóm tự quản là một lực lượng hoạt động khá hiệu quả và quan trọng nhưng về mặt pháp lý lẫn chính sách thì hầu như chưa có gì; chỉ dựa vào sự khen thưởng, hỗ trợ tùy vào từng trường hợp và thời điểm cụ thể, nhất định.
Đến nay, dù chưa có chính sách cho những người tham gia các nhóm tự quản như cán bộ cơ quan công quyền nhưng ngành công an và các cấp quản lý Nhà nước đã và sẽ luôn theo sát, quan tâm, động viên, chia sẻ... Một số trường hợp cụ thể đã được cơ quan chức năng làm các thủ tục chính sách như trường hợp 2 thanh niên bắt cướp ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Người bị thương được hưởng chế độ thương binh, người hy sinh đang được đề nghị công nhận liệt sĩ. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ trao nhà tình nghĩa cho một gương bắt cướp ở Long An. Còn tại Vĩnh Long, CLB Phòng chống tội phạm trên sông được UBND tỉnh cấp xuồng mới để cứu hộ cứu nạn và bắt cướp. CLB này từng cứu gần cả trăm người trong vụ sập cầu Cần Thơ.
Quý Lâm ghi |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!