Quyết định trên được đưa ra theo đề nghị của 2 nhà máy sản xuất DAP trong nước thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Cụ thể, theo Bộ Công Thương, lượng phân bón nhập khẩu năm 2016 tăng hơn 35% so với năm 2015 (số liệu từ Tổng cục Hải quan) và việc gia tăng nhập khẩu này gây thiệt hại nghiêm trọng cho Công ty CP DAP (DAP Đình Vũ) và Công ty CP DAP số 2 (DAP Lào Cai), cùng thuộc Vinachem. DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đang chiếm 100% tổng sản lượng DAP sản xuất nội địa và đây chính là 2 doanh nghiệp (DN) đề nghị Bộ Công Thương "cứu" bằng quyết định nói trên.
Nhiều DN nhập khẩu và sản xuất phân bón trong nước tất nhiên không đồng tình với quyết định của bộ vì cho rằng việc bảo hộ chỉ có lợi cho 2 nhà máy sản xuất DAP trong nước trong khi hàng triệu nông dân sẽ phải chịu thiệt.
Cho dù động thái của Bộ Công Thương phù hợp với quy định pháp luật (Pháp lệnh Tự vệ) và các bước tiếp theo còn phải làm đúng theo quy trình song đáng lý ra phải nhìn thấy những nghịch lý trước mắt và những hậu quả nhãn tiền để suy xét, có cách làm phù hợp hơn.
Theo nguyên tắc, áp dụng biện pháp tự vệ để điều tra khi có dấu hiệu bán phá giá xảy ra. Cụ thể ở đây là giá phân bón DAP nhập khẩu phải thấp hơn nhiều so với giá DAP trong nước. Thế nhưng thực tế, giá DAP nhập khẩu (chủ yếu từ Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc) luôn cao hơn giá DAP nội địa. Chẳng hạn, thị giá DAP sản xuất nội địa đang là 9.000 đồng/kg còn thị giá DAP nhập từ Hàn Quốc là 13.000 đồng/kg. Hàng ngoại đắt hơn nhiều như thế mà nông dân vẫn chọn mua, vậy thì các DN nội phải xem lại chất lượng phân bón của mình chứ! Mà phản ánh của khách hàng đã rất rõ ràng rồi: chất lượng DAP nội không đạt tiêu chuẩn quốc tế nên hiệu quả kém ổn định, hàm lượng dinh dưỡng ít lại lâu tan khiến cây trồng không hấp thu được… Thay vì cải tiến kỹ thuật để nâng chất lượng nhằm thu hút khách hàng, các nhà máy DAP của Vinachem lại mượn tay cơ quan quản lý nhà nước hòng tìm ưu thế cạnh tranh không sòng phẳng.
Vấn đề lớn hơn là phải luôn nghĩ tới người tiêu dùng. Khi cơ quan nhà nước áp thuế phòng vệ thì phần chi phí đó sẽ cộng gộp vào giá bán và dĩ nhiên nông dân phải gánh chịu. Mà nông dân đã gồng mình chi trả hàng chục loại thuế và phí rồi, nay chi phí sản xuất tăng thêm thì chịu sao thấu! Có mấy ai giàu nhờ làm nông đâu, sao ép nông dân đến vậy?
Bảo hộ là một công cụ thương mại nhằm phòng vệ chính đáng chứ không phải được sử dụng bừa hay chỉ phục vụ cho nhóm nhỏ lợi ích nào. 70% dân số Việt Nam là nông dân và nông nghiệp đến nay vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Đừng để chủ thể của nền kinh tế vốn đã bị tổn thương nhiều, sắp tới phải chịu thiệt thòi thêm. Đó là chưa nói đến trường hợp việc áp thuế phòng vệ này vừa khiến nông dân thiệt hại vừa làm cho các nhà máy DAP vốn đã yếu sẽ bệ rạc thêm vì thiếu động lực đổi mới sáng tạo bởi đã quen thói ỷ lại vào sự nâng đỡ của nhà nước.
Bình luận (0)