Những ngày dịp Tết Nguyên đán, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông Bà Chiểu tại quận Bình Thạnh, TP HCM) đón nhiều khách đến hái lộc đầu năm, dâng hương cúng bái vị thần có công khai mở vùng đất Gia Định, phát triển kinh tế Nam Bộ đầu thế kỷ XIX. Trong khói hương nghi ngút, có lẽ mọi người ít biết đến Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong, em ruột của Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành, người từng phò chúa Nguyễn Ánh chinh Nam phạt Bắc, triều Gia Long giữ trọng trách Phó Tổng trấn Bắc thành.
Trong sách sử cũng ít thấy ghi về hành trạng Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong.
“Huynh Nam, đệ Bắc oai danh chấn”
Lê Văn Phong là người khỏe mạnh và giỏi võ, theo anh mình phò chúa Nguyễn, lập nhiều công trạng. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Lê Văn Phong được phong chức Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách, vâng mệnh vua Gia Long dẫn quân lên đánh Lạng Sơn khiến tướng Tây Sơn trấn thủ là Hoàng Văn Kim, Hiệp trấn Trương Văn Luyện phải mở cửa thành ra hàng.
Năm Canh Ngọ (1810), ông được phong làm Quản Tả Dinh Thần sách, tước Quận công, đem quân vào đóng giữ Gia Định.
Ngôi mộ cải táng năm 1961 của Đại thần Lê Văn Phong
Sách Gia Định thành thông chí, Quyển 3 Cương vực chí ghi:
“Ngày 12 tháng giêng mùa xuân năm Mậu Thìn (1808), niên hiệu Gia Long thứ 7, đổi trấn Gia Định ra thành Gia Định rồi lệnh cho Khâm sai chưởng Chấn võ quân là Nhơn Quận công Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn và Khâm sai Thượng thư bộ Hộ là An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức làm phó Tổng trấn, ban cho ấn bạc có núm hình sư tử và được dùng mực son. Trấn thành đóng tại huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình.
Ngày mùng 4 tháng 10 mùa đông năm Canh Ngọ (1810), niên hiệu Gia Long thứ 9, vua hạ chiếu sai Tả dinh Đô thống chế Thần sách quân là Phong Đăng hầu Lê Văn Phong và Ký lục trấn Định Tường là Minh Đức hầu Bùi Văn Minh lãnh 3.000 quân và thuyền chiến đến trấn đóng ở vùng Tân Châu để canh phòng biên ải”
Biên cương phía Nam yên ổn. Năm 1818, Tả dinh quân Thần sách Lê Văn Phong được cử ra miền Bắc giữ chức Phó Tổng trấn Bắc thành, cùng với Lê Chất là Tổng trấn, coi việc quân cơ, cai quản vùng đất từ Ninh Bình ra đến Lạng Sơn.
Lúc đó, đã có lời tán tụng:
Huynh Nam, đệ Bắc oai danh chấn.
Tử hiếu, thần trung tiết nghĩa cao.
Anh trấn trong Nam, em trấn ngoài Bắc, lừng lẫy uy danh.
Con tròn đạo hiếu, tôi vẹn lòng trung, nêu cao tiết nghĩa.
Vào triều Minh Mạng, Lê Văn Phong biết mình không đủ tài gánh vác việc nước thời bình nên xin từ quan nhưng vua Minh Mạng không cho. Năm 1824, ông về Nam thăm quê thì bệnh rồi mất tại Gia Định ngày 15-9 âm lịch. Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt xây lăng mộ cho ông trên vùng đất cao ở phía Bắc thành Gia Định thuộc thôn Tân Sơn Nhứt, quận Bình Dương, phủ Tân Bình, Gia Định.
Đại Nam thực lục ghi:
“Đô Thống chế Tả Dinh Thần sách, Phó Tổng trấn Bắc thành Lê Văn Phong chết. Nguyên trước đây Phong đang ở Bắc thành yết kiến vua xin nghỉ, về quê Gia Định rồi bệnh chết ở nhà.
Vua Minh Mạng bảo Bộ Lễ: Phong là em ruột Tổng trấn Lê Văn Duyệt, buổi đầu trung hưng đánh giặc có công, kịp khi cầm cờ tiết trấn biên cương, hay trừ trộm cướp để yên dân. Người ấy có tiết tháo, độ lượng nên ngày thêm quý mến, mong cho một nhà anh em được vẻ vang lâu dài, nay vội bỏ đi trước, thật đáng buồn.
Bia mộ Đại thần Lê Văn Phong
Bèn gia tặng là Thiếu bảo Chưởng dinh, ban Thụy là Tráng Nghị; sai quan đến tế, cho 5 cây gấm Tống, 50 tấm lụa, 100 tấm vải, 2.000 quan tiền; cấp cho 3 người mộ phu, cho con thứ là Lê Văn Tề chức Phó Vệ úy dinh Tả quân”.
“Tội đồ họ Lê”
Theo gia phả họ tộc Lê Văn (làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, Tổ quán của anh em Lê Văn Duyệt - Lê Văn Phong), Tả dinh Lê Văn Phong có một vợ chánh là Tống Thị Hạnh, một vợ thứ và các vợ lẻ. Các con chính thức của ông ghi trong gia phả là 27 trai, 4 gái, những người con khác không ghi. Những ngày trấn giữ ải Bắc hay đưa quân về tận biên giới Châu Đốc - Cao Miên, ông có thêm người con nào nữa không thì hiện chưa rõ.
Do Lê Văn Duyệt không có con nên vua Gia Long chỉ dụ Lê Văn Duyệt lập con trưởng của Lê Văn Phong là Lê Văn Yến làm con thừa tự. Triều vua Minh Mạng, Lê Văn Yến được vua gả em gái thứ mười là công chúa Ngọc Ngôn, trở thành Phò mã Đô úy. Con thứ của Lê Văn Phong là Lê Văn Tề thành con thừa tự.
Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất năm 1832, mộ táng tại Bình Hòa xã, tỉnh Gia Định. Năm sau, vua Minh Mạng bỏ Gia Định thành, chia toàn xứ Nam kỳ làm 6 tỉnh, trong đó có tỉnh Gia Định và cử Bạch Xuân Nguyên làm quan Bố chánh.
Năm 1833, con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi do có nhiều uất ức đã cầm đầu một số tội nhân chiếm thành Phiên An, giết quan Bố chánh, chống lại triều đình. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1835 thì bị dẹp tan với hàng ngàn quân lính, thứ dân chết.
Quần thần họp quy Lê Văn Duyệt 7 tội chết, trong đó có tội “dung dưỡng tay sai âm mưu phản nghịch”, dù đã chết cũng san bằng mộ, cắm bia ghi chữ “Quyền yểm Lê Văn Duyệt phục pháp xử” - nơi đây hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội.
Lệnh tru di xử các “tội đồ họ Lê” diễn ra từ Nam đến Bắc, từ kinh thành Huế đến làng thôn xa xôi Định Tường khiến nhiều con cháu họ Lê chết thảm, số sống sót thì trốn chạy, thay đổi tên họ; số còn lại chịu cảnh lưu đày nơi ải Bắc.
Lăng mộ Lê Văn Phong tại thành Gia Định không người chăm sóc, chìm vào quên lãng...
Kỳ tới: Sau 200 năm hoang phế
Bình luận (0)