Gần đây, báo chí phản ánh một số trường hợp quan chức ở một số địa phương xây dựng nhiều biệt thự lớn, như nhà của Bí thư Huyện ủy Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) Nguyễn Đức Vượng, "biệt phủ" rộng hàng ngàn mét vuông của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý hay việc đấu giá 6 lô đất biệt thự ở tỉnh Lào Cai đều rơi vào các cán bộ lãnh đạo của tỉnh này... gây xôn xao dư luận.
Nên kiểm tra cụ thể
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) về hiện tượng này, đại biểu (ĐB) QH Dương Trung Quốc cho biết đương nhiên bất động sản, nhà ở là tài sản quan trọng của mỗi gia đình, mỗi con người và nó cũng thể hiện phần nào tiềm năng kinh tế của gia chủ. Các quan chức thì hưởng lương nhà nước. Xã hội hiện nay vẫn tạo điều kiện cho quan chức có thể có những nguồn thu nhập chính đáng khác, như: tham gia các hoạt động kinh tế, thừa kế tài sản... nhưng rõ ràng, bất động sản vượt quá suy nghĩ của người dân thì họ đặt ra câu hỏi là chính đáng.
Các lô đất mà quan chức tỉnh Lào Cai đã mua thông qua đấu giá, sau đó xây biệt thự gây xôn xao dư luậnẢnh: NGUYỄN QUYẾT
"Tốt nhất là hãy làm sáng tỏ điều đó bởi chúng ta có đầy đủ các quy định về pháp lý, công khai minh bạch và hơn nữa, các quan chức đều là đảng viên" - ông Quốc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng khi chúng ta công khai cho thấy tài sản đó chính đáng, minh bạch thì cũng là sự khích lệ cho mọi người. Nhưng nếu bộc lộ các mặt không minh bạch, mờ ám thì sẽ giúp cho việc giám sát tốt hơn.
Theo ông Dương Trung Quốc, trung ương đang quan tâm đến tài sản của cán bộ do mình quản lý thì địa phương cũng phải làm như vậy. "Tôi cho rằng mọi sự minh bạch có lợi cho tất cả, chỉ những người không minh bạch thì mới sợ thôi" - ĐB này nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về khu đất, "biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý đang gây xôn xao dư luận, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng không chỉ Yên Bái mà câu chuyện ở phố đất toàn quan chức trúng đấu giá ở tỉnh Lào Cai cũng vậy. "Có thể đất ở Lào Cai bán đúng quy trình, theo chính sách nhưng tại sao những người trên lại có tiền mua được. Nếu chúng ta làm rõ thì người dân sẽ thấy là chuyện bình thường, còn không thì sẽ thấy đó là chuyện bất thường. Không bình thường thì sẽ gây ra sự mất lòng tin của người dân. Nếu là do làm ăn chính đáng mà có thì người ta sẽ dễ dàng chứng minh được và cần khuyến khích cá nhân làm giàu chính đáng" - ĐB Dương Trung Quốc nêu.
Nhiều ĐBQH cũng cho rằng các địa phương có những khu biệt thự, bị dị nghị "này nọ" về tài sản quan chức thì nên kiểm tra cụ thể, làm rõ vấn đề. Nếu đúng thì để chứng minh đó là tài sản rõ ràng, có nguồn gốc; còn nếu bất minh thì cũng có biện pháp để quản lý.
Về vụ phố biệt thự của quan chức ở tỉnh Lào Cai, khi trả lời báo chí bên hành lang QH, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, cũng cho rằng lãnh đạo tỉnh Lào Cai nên có giải thích rõ ràng cho báo chí để thông tin. "Mình không vi phạm thì ngại gì? Vì muốn hay không muốn thì cũng cần giải thích rõ để báo chí biết và thông tin đến người dân" - ông Nhưỡng nói.
Dư luận có quyền nghi ngờ
Trả lời báo chí về việc làm sao để kiểm soát tài sản quan chức, ĐB Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH, cho biết hiện cơ chế kiểm soát đang tắc. Nhưng tắc ở đâu thì phải tính toán đường mở, chứ không phải cứ kê khai rồi để đó.
Theo ông Phong, kê khai tài sản là cơ sở để xác minh, đánh giá người kê khai có trung thực hay không. Việc xác minh kê khai rất quan trọng. Xác minh đó không phải chỉ cơ quan chức năng làm mà cũng nên lắng nghe từ quần chúng, vai trò phản biện từ các tổ chức xã hội...
"Phải xác minh để xử lý, làm trong sạch nội bộ. Nếu cán bộ giỏi và làm giàu thực sự thì cần nhân rộng điển hình. Còn không phải như thế thì có cơ chế xử lý, chứ kê khai rồi bỏ đó thì không có tác dụng" - ông Phong nhấn mạnh.
Đề cập đến việc nhiều quan chức cho người thân đứng tên tài sản sẽ khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát, ĐB Đặng Thuần Phong cho rằng ai cũng có quyền đứng tên sở hữu tài sản. Tuy nhiên, ai đứng tên tài sản đó không phải là vấn đề, điều cần làm là phải chứng minh được nguồn gốc tài sản đó có được trong quá trình làm ăn của người đứng tên như thế nào, có đúng là do làm ăn chân chính để tạo ra được hay không.
Cũng theo ông Phong, đối với quan chức, ngoài việc phải kê khai tài sản cũng cần phải kê khai tài sản của người thân trong gia đình để xác nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. "Lúc đó, tất cả mọi việc sẽ khách quan hơn, dư luận có cơ sở để đánh giá cán bộ có trung thực hay không" - ĐB Phong nói.
Để thanh tra trung ương vào cuộc
Dư luận cũng đặt câu hỏi về tính khách quan khi bí thư Tỉnh ủy Yên Bái ra quyết định thanh tra tài sản của em trai mình, đang làm giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Đặng Thuần Phong cho rằng thanh tra địa phương làm thì sẽ bị dư luận nghi ngờ. "Nên để thanh tra trung ương vào cuộc sẽ nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. Nếu họ trong sạch thực sự thì cũng được chứng minh, còn có vấn đề sẽ xử lý theo thẩm quyền" - ông Phong nói.
Còn ĐB Dương Trung Quốc nêu ý kiến bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nên chỉ đạo làm cho rõ ràng, như thế cũng chính là bảo vệ uy tín cho mình.
Ông Dương Quang Hùng, Giám đốc tài chính một doanh nghiệp bất động sản nước ngoài:
Cần cơ chế quản lý
Vấn đề tài sản, thu nhập của cán bộ đang có vấn đề khi chúng ta còn duy trì một hệ thống tiền mặt lớn và sự thiếu minh bạch, đồng bộ ở rất nhiều khâu. Ở các quốc gia tiên tiến, họ quản lý tài sản rất rõ ràng, thậm chí còn thu thuế rất sát về tài sản, thu nhập. Chúng ta mới bắt đầu triển khai thu thuế thu nhập còn thuế tài sản đang chuẩn bị. Rõ ràng đang có khoảng trống lớn nhưng những gì đã bộc lộ và gây ồn ào dư luận thì phải giải tỏa bằng cách minh bạch hóa. Đối với những người có tài sản chân chính thì đây cũng là lúc để họ nói và làm rõ, không phải cứ mù mờ dễ gây bất lợi cho bản thân.
Những năm trước, quan chức về hưu mới dám xây nhà nhưng giờ đương chức, mới lên chức cũng xây dựng dinh thự rất to. Quyền tài sản là quyền của mọi con người nhưng tài sản đó phải minh bạch. Chắc chắn sắp tới chúng ta triển khai thuế về tài sản thì sẽ có cơ chế pháp luật rõ ràng hơn.
ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH:
Làm rõ nguồn gốc hình thành tài sản
Chúng ta cần nhìn nhận khách quan, công tâm khi dư luận cho rằng với mức lương theo quy định của nhà nước, thật khó để cán bộ có thể sở hữu biệt thự, xe sang hay những tài sản lớn.
Thu nhập khác tiền lương. Với cán bộ, công chức, nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền lương, tuy nhiên họ cũng có thể có những nguồn thu nhập khác như tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, đảm nhận thêm các nhiệm vụ khác có bồi dưỡng từ ngân sách, làm thêm bên ngoài... Hiện nay, cán bộ, đảng viên vẫn được góp vốn làm kinh tế ở bên ngoài nhưng có giới hạn ở những lĩnh vực mà họ không phụ trách hoặc lĩnh vực không chịu sự tác động bởi quyền hạn của họ.
Khi xem xét tài sản của ai đó thì phải xem xét nguồn gốc hình thành tài sản này. Có thể tài sản hình thành từ tiền lương và từ các nguồn thu nhập khác. Tất nhiên hiện nay, mức lương cán bộ chỉ đủ sống hoặc ở mức trung lưu mà thôi. Thu nhập khác là cái gì thì người kê khai phải có bổn phận chứng minh, giải trình với công luận và cơ quan có thẩm quyền. Nếu nó hợp pháp, minh bạch thì dư luận mới tin.
Ng.Thế ghi
Bình luận (0)