xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng mơ thủy điện cắt lũ!

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Không chỉ cùng khẳng định thủy điện không thể cắt lũ cho hạ du sông Ba (Phú Yên), Thứ trưởng Bộ Công Thương còn “đồng cảm” với màn kể khổ của đại diện EVN và đề nghị bù đắp bằng... tăng giá điện

Chiều 22-7, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên sau khi kiểm tra việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện trên lưu vực sông Ba.

“Lật lọng”!?

Bộ Công Thương cho biết ngày 7-7, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Ba. Theo đó, các nhà máy thủy điện phải thông báo xả lũ cho dân trước 4 giờ thay vì 2 giờ như trước đây. Ông Nguyễn Hữu Trị - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên - cho rằng việc thông báo sớm thời gian xả lũ chỉ nhằm giảm tổn thất thiệt hại về người, trong khi điều mà người dân cần là cắt lũ, giảm lũ.

Người dân Phú Yên chạy lũ trong mùa mưa bão năm 2013
Người dân Phú Yên chạy lũ trong mùa mưa bão năm 2013

Trong khi đó, đại diện Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ - nhà máy thường có lưu lượng xả lũ lớn nhất trên lưu vực sông Ba - ông Đặng Văn Tuần, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, lại cho rằng xả lũ như thế đã là “áp lực”.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết không thể có phương án cắt lũ trên sông Ba! “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ” - ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, thẳng thừng.

Ông Đỗ Đức Quân - Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương - cho biết bộ từng cân nhắc đến phương án cắt lũ cho hạ lưu sông Ba bằng việc mở rộng hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ nhưng không khả thi.

“Chúng tôi tính toán để giữ được 400 triệu m3 nước vào mùa lũ cho hạ lưu sông Ba thì phải chấp nhận mất đi một diện tích đất lên đến 4.500 ha, gần gấp đôi hồ thủy điện Sông Ba Hạ. Diện tích đất mất quá lớn trong khi 400 triệu m3 cũng không thấm vào đâu so với lũ sông Ba” - ông Quân lý giải.

Trước những “gáo nước lạnh” nêu trên, ông Trần Văn Tiến - một người dân ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên - vùng thường xuyên bị ngập lụt khi thủy điện xả lũ, bức xúc: “Bây giờ, họ lật lọng vậy đó! Trước đây, khi xây dựng thủy điện thì họ nói rất ngon. Họ bảo làm thủy điện sẽ cắt lũ cho dân”.

Thủy điện kể khổ

Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba mới do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xả nước dự phòng để đón lũ được quy định khá chặt chẽ. Theo đó, khi có thông báo lũ, các hồ chứa phải xả nước dự phòng xuống dưới mực thiết kế 2-2,5 m, phòng khi lũ lên nhanh. Quy định này được cho là hiệu quả để xả lũ cho hạ du nhưng với các nhà máy thủy điện, đây là việc “cực chẳng đã”.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Kiểm định an toàn đập thuộc Công ty CP Sông Ba (Chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Krông H’năng), cho rằng các dự án thủy điện xây dựng là để phát điện. Việc xả lũ dự phòng trước khi lũ về có khả năng làm giảm sản lượng điện.

“Buộc hồ chúng tôi phải xả xuống dưới mực nước thiết kế 2,5 m để đón lũ nhưng nếu dự báo sai, lũ không về thì sao, nước đâu để bù lại? Nếu làm vậy, mỗi năm chúng tôi sẽ thiệt hại trên 30 tỉ đồng. Lo cho hạ du mà chúng tôi thiệt hại thì nhà nước phải bù cho chúng tôi chứ?” - ông Tuấn đòi hỏi.

Màn kể khổ này ngay lập tức được ông Nguyễn Tài Anh bồi thêm khi cho rằng theo quy định nêu trên, chỉ với những nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Ba, EVN sẽ thiệt hại trung bình mỗi năm đến 200 tỉ đồng.

Điều kỳ lạ là Bộ Công Thương - đơn vị góp ý để trình quy chế vận hành liên hồ chứa lên Thủ tướng Chính phủ - lại tỏ ra “chia sẻ” với các nhà máy thủy điện. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, nhìn nhận: “Thực hiện đúng quy trình này sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy. Cần bảo đảm cho hạ du nhưng phải bảo đảm lợi ích các nhà máy thủy điện”.

Dây dưa trồng lại rừng

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, cho biết theo quy định thì các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh phải trồng lại rừng trên diện tích gần 294 ha. Thế nhưng, hơn 5 năm hoạt động, hiện các thủy điện này chỉ mới trồng gần 13 ha rừng.

Về vấn đề này, EVN đề nghị chi trả tiền cho tỉnh để thuê đơn vị khác trồng rừng. Đại diện Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) còn đề nghị “vui” hơn: Lấy diện tích mà chủ đầu tư đã trồng cao su để kinh doanh trước đây thay thế diện tích rừng mà nhà máy thủy điện này cần phải trồng!

Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Đề nghị Cục Điều tiết điện lực xem lại, nếu theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba gây thiệt hại cho thủy điện thì lên phương án đền bù lại bằng giá điện”.

 

Xem xét cắt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc

Chiều 22-7, ông Huỳnh An, Phó Ban Quản lý dự án công trình thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, cho biết đang tiến hành họp thương lượng chấm dứt hợp đồng với 2 nhà thầu Trung Quốc thi công dự án này là Tập đoàn thủy điện Viện Hoa Đông và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.

Dự án thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW, được khởi công từ tháng 9-2009, dự kiến tổ máy số 1 sẽ phát điện vào quý IV/2014. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.

Ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, cho biết chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp với các nhà thầu, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng nhà thầu cố tình trì hoãn thi công để đòi tăng giá xây dựng.

H.Thanh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo