Chiều 28-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tiếp công dân (dự luật). Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhìn nhận dự luật chưa quy định người đứng đầu sẽ bị xử lý thế nào khi không tiếp công dân. Theo ĐB Thúy, thực tế đã có trường hợp chủ tịch UBND huyện cả tháng không tiếp công dân dù quy định phải tiếp ít nhất 2 buổi.
“Như hiện nay thì đừng nghĩ tới chuyện xây dựng trụ sở hoành tráng mà cán bộ ở đó lại thờ ơ, vô cảm, đọc báo và nghe điện thoại khi công dân trình bày khiếu nại, tố cáo” - ĐB Thúy nói.
ĐB Huỳnh Văn Tiếp cho rằng nhiều ĐBQH cũng chưa làm tốt việc tiếp công dân Ảnh: HOÀNG BẮC
ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng nhiều ĐBQH cũng chưa làm tốt việc tiếp công dân. “Điều này gây mất lòng tin của người dân đối với những người đại diện cho mình. Tôi đề nghị luật phải quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH đối với việc tiếp công dân” - ĐB Tiếp đề xuất.
Dẫn ra hàng loạt hạn chế về việc tiếp công dân thời gian qua, ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đơn vị trong việc tiếp công dân, chấm dứt tình trạng cứ nhận đơn rồi chuyển lòng vòng.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết sẽ chỉ đạo Ủy ban Pháp luật phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiếp thu đầy đủ các đóng góp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chiều cùng ngày, QH cũng đã thảo luận về dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đáng chú ý, dự thảo luật đã đưa ra những quy định người nước ngoài không được chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Quy định này nhằm khắc phục kẽ hở của pháp lệnh hiện nay cho phép người nước ngoài được chuyển đổi mục đích nhập cảnh, dẫn đến việc lợi dụng danh nghĩa vào tham quan, du lịch nhưng để tìm kiếm việc làm, xin chuyển đổi mục đích để ở lại làm việc. Trong đó, có nhiều lao động phổ thông Trung Quốc làm việc tại các dự án do nước này trúng thầu đang là vấn đề phức tạp mà các bộ, ngành phải phối hợp giải quyết.
Bình luận (0)