Được lợi gì, nguy cơ gì và sẽ phải làm thế nào để tận dụng cơ hội, giảm thiểu tác động bất lợi là những câu hỏi mà Việt Nam phải trả lời từ nay đến mãi về sau khi còn đứng chân trong đấu trường thương mại cam go này. Chúng ta đã nhiều lần nghe thông tin lạc quan “Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP” nhưng chớ vội mừng vì nếu đó là sự thật thì cũng chỉ có thể là “nhiều nhất” trên danh nghĩa, không hẳn “nhiều nhất” trên thực chất. Điều đó dễ hiểu bởi quy mô kinh tế của chúng ta thuộc nhóm bé nhất trong 12 nền kinh tế TPP, chẳng hạn xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 30% so với hiện nay còn Mỹ thì tăng thêm 3% nhưng với chỉ chừng ấy thôi, tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ vẫn nhiều hơn so với ta cả một trời một vực.
Ví dụ như thế để biết mình đang ở đâu và đừng quá lạc quan.
Rất nhiều kinh tế gia tâm huyết đã khuyến cáo: Nền kinh tế Việt Nam cần phải củng cố thực lực, dưỡng sức và tránh chạy theo những giá trị ảo để đủ sức khỏe bước lên vũ đài mới. Thế nhưng, thực tiễn cho thấy các nguồn lực đang bị phân tán rất đáng báo động.
Đó là nạn mua sắm công theo kiểu vung tay quá trán; năm 2014 vay nợ công 70.000 tỉ đồng, năm 2015 tăng gần gấp đôi: 135.000 tỉ đồng và phải dùng ngân sách nhà nước để trả. Cứ cho là nợ công vẫn đang ở ngưỡng an toàn so với GDP (năm nay khoảng 61,3% GDP) nhưng cứ vay để xài mãi thì biết bao giờ đất nước thoát khỏi cảnh túng quẫn? Rồi còn ai cho ta vay vốn rẻ để sắm xe công, xây tượng đài và nuôi bộ máy hành chính ngày càng phình to!
Đó là tình trạng chi tiêu thả ga trong dân chúng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thốt lên: Chúng ta mỗi năm xuất khẩu gạo được 3 tỉ USD nhưng uống bia cũng hết… 3 tỉ USD, xem như là “có nhiêu, xài nhiêu”. 50 triệu nông dân quần quật quanh năm trên đồng lúa mới làm ra và xuất bán được khoảng 6,5 triệu tấn gạo; 3 tỉ USD chi cho 3,4 tỉ lít bia chỉ để đổi lấy danh hiệu “quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á”. Thật đắng lòng!
Xót hơn khi biết thêm rằng trước tình hình ngân khố eo hẹp, tiền không có để tăng lương cơ sở theo lộ trình, nợ công trên đà gia tăng, Chính phủ phải tính tới phương án phát hành 3 tỉ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trong khi đó, nhập siêu thật đáng ngại. 10 tháng qua, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước đạt 138,7 tỉ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng xa xỉ đạt 20 tỉ USD, tăng khoảng 30% so cùng kỳ. Tính tổng thâm hụt thương mại 10 tháng đã là 4,1 tỉ USD và nếu giá dầu thô không tăng trong khi đà nhập khẩu vẫn vậy thì nhập siêu 2 tháng cuối năm 2015 sẽ tăng nữa.
Mệnh lệnh đặt ra lúc này là phải triệt để tiết kiệm. Nhà nước phải chắt chiu từng đồng ngân sách và mỗi người dân hãy dần chia tay thói quen xa xỉ của mình!
Bình luận (0)