Phải đảm bảo tính độc lập của quyền tư pháp
Điều 137 của dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này, giao cho VKSND Tối cao và VKSND địa phương, các VKS quân sự “thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Ông Trịnh Minh Tân, trưởng phòng xét xử hình sự, cho rằng việc dự thảo sửa đổi điều 137 Hiến pháp năm 1992 loại bỏ chức năng kiểm sát chung (kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang, công dân...) sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực không thể thiếu được để đảm bảo tính thống nhất của pháp chế XHCN, đồng thời tạo điều kiện cho các vi phạm pháp luật phát sinh và phát triển, nhất là nền kinh tế đang phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường. Sự thiếu vắng chức năng này mà không có một cơ chế nào thay thế sẽ không ngăn chặn được kịp thời những hiện tượng khoanh vùng cát cứ, “phép vua thua lệ làng”. Theo ông Phạm Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn VKSND TPHCM, kiểm sát việc tuân theo pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất là một tất yếu khách quan, một nhiệm vụ không thể thiếu của Nhà nước XHCN, nếu không giao cho VKS thì cũng phải giao cho một cơ quan khác đảm nhiệm. Như vậy chúng ta càng làm cho bộ máy cồng kềnh thêm mà chưa chắc đã đạt hiệu quả. Bà Lê Ngọc Sương, trưởng phòng kiểm sát tuân thủ pháp luật, khẳng định: “Nói đến Nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo tính độc lập của quyền tư pháp, bao hàm cả hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND. Nếu bỏ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND là làm thiếu đi một công cụ quan trọng hiện có để xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN”.
Viên chức hay công chức ?
Nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 nên chú ý đến câu chữ. Cụ thể điều 10 sửa chữa, bổ sung, chỉ có một câu mà vế trước thì ghi: “cán bộ, công nhân, viên chức”, vế sau thì ghi: “công nhân, cán bộ, công chức”; rồi nào là “quốc sách hàng đầu”, nào là “trong trường hợp cần thiết”... nhưng không biết lúc nào là cần thiết.
Trong buổi hội thảo này, ý kiến tập trung nhiều nhất vào những điều về công tác kiểm sát. Trong năm 2000, VKSND TPHCM và các VKSND quận, huyện đã phát hiện 24 văn bản của UBND TP và quận, huyện có vi phạm pháp luật, đã ban hành 22 kháng nghị... Khi tiến hành kiểm sát các văn bản cá biệt, VKS cũng đã có 7 văn bản yêu cầu UBND TP phúc tra, sửa đổi, hủy bỏ hoặc tạm ngưng thực hiện các quyết định giải quyết tranh chấp chưa phù hợp pháp luật... Kiểm sát việc chấp hành pháp luật ở 138 đơn vị, đã ban hành 107 kháng nghị yêu cầu khắc phục sửa chữa vi phạm, trong đó yêu cầu nộp ngân sách 5,653 tỉ đồng, đã thu nộp ngân sách 1,866 tỉ đồng... Ông Trịnh Minh Tân nói: “Có lẽ những con số trên chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các vi phạm chưa được phát hiện xử lý”. Theo ông Tân, điều này cũng nói lên rằng, nếu thiếu vắng chức năng kiểm sát chung thì tình trạng vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục phát triển và hậu quả của nó không thể nói trước được. Ông Phạm Thư, đại diện Chi hội Luật gia VKS, lưu ý thêm: “Khi sửa khoản 1 của điều 3 Luật Tổ chức VKSND như thế này không dẫn đến hậu quả phải sửa điều 1, vì điều 1 có quy định chức năng của VKS là thực hành quyền công tố. Khi thực hiện chức năng công tố thì VKSND có quyền kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân. Nhưng khi sửa khoản 1 của điều 3 sẽ dẫn đến việc sửa đổi các điều 8, 9 và 10 của luật, liên quan đến: đối tượng kiểm sát, thẩm quyền kiểm sát và quyết định của VKS trong kiểm sát tuân thủ pháp luật”.
Ông Trương Hòa Bình, Viện trưởng VKSND TPHCM, tin tưởng qua sự góp ý của các ngành, các cấp và nhân dân lao động, Hiến pháp lần này sẽ được tu chỉnh, thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nhà nước đó là công bộc của dân” và tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Đề nghị đổi Ủy ban Nhân dân thành Ủy ban Hành chính |
Bình luận (0)