Ngày 27-4, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) đã tổ chức hội nghị toàn thể năm 2012. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Chủ tịch VNMC Nguyễn Minh Quang thông báo việc hợp tác Mê Kông giai đoạn 2010- 2012 có nhiều yếu tố thuận lợi: Ủy hội sông Mê Kông quốc tế bắt đầu thực hiện tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao Hủa Hỉn (về quản lý bền vững tài nguyên nước hạ lưu sông Mê Kông), bắt đầu triển khai kế hoạch chiến lược giai đoạn 2011- 2015… Tuy nhiên, sông Mê Kông cũng đang gặp nhiều khó khăn nhất định: tình trạng suy giảm dòng chảy trong 20 năm trở lại đây, nhất là việc xây dựng 12 thủy điện trên dòng chính.
Vừa qua, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã thuê Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM) nghiên cứu tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông, nhằm giúp chính phủ các quốc gia ven sông xem xét các tác động môi trường trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đồng thời xem xét và ra quyết định về việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Với khá nhiều tác động tiêu cực được dự báo, ICEM khuyến cáo không nên coi xây dựng các công trình thủy điện dòng chính như là việc thử nghiệm.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng VNMC, cho biết VNMC đã lập đề cương nghiên cứu dự án đánh giá tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của dự án là bảo vệ 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng các nguồn tài nguyên, nền kinh tế và các hệ thống sinh thái tự nhiên. Bên cạnh đó, bảo đảm các lợi ích lâu dài của các cộng đồng dân cư và sinh kế của họ thông qua các quyết định dựa trên thông tin, bằng chứng khoa học nhằm hướng tới phát triển, quản lý, bảo vệ một cách bền vững tài nguyên nước cùng các tài nguyên liên quan trong vùng. Đến nay, VNMC đã chọn được 4 nhà thầu vào danh sách ngắn và trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên-Môi trường phê duyệt đề cương nghiên cứu. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2012 đến 2014.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh cho biết rất nhiều quốc gia như Nhật, Úc, Mỹ… sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong việc nghiên cứu và quản lý, phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Kông.
Bình luận (0)