xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng vì khó mà không làm

Bài và ảnh: Phan Anh

Đại diện các bộ, ngành trung ương đánh giá cao đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở TP HCM bởi sự sáng tạo, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao đời sống nhân dân

Sáng 18-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Lê Thanh Hải, đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến các ban, bộ, ngành trung ương về dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Làm rõ phân quyền, phân cấp

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Ban Dân vận Trung ương, nhận định: “Đây là một đề án mang tính đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị lẫn kinh tế - xã hội, mang lại đời sống tinh thần và vật chất cho người dân tốt hơn”.
 
Tuy nhiên, ông Hùng chỉ rõ 5 mối quan hệ mà đề án chưa giải quyết được: mối quan hệ giữa lãnh đạo quản lý của chính quyền TP với 4 TP vệ tinh; lãnh đạo quản lý của chính quyền TP với 13 quận nội thành; lãnh đạo quản lý của chính quyền TP với huyện, xã, thị trấn và địa bàn nông thôn; lãnh đạo quản lý của chính quyền TP với 3 mối quan hệ nêu trên; chính quyền TP với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các hệ thống ban, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương.
 
“Mô hình chính quyền đô thị của TP HCM phức tạp hơn nhiều so với mô hình của TP Đà Nẵng vì Đà Nẵng chỉ có 1 triệu dân, còn TP HCM gấp 10 lần. Chính vì vậy, tôi rất muốn TP HCM thêm và làm rõ các mối quan hệ này vào mục nguyên tắc tổ chức chính quyền” - ông Hùng kiến nghị.
 
img
Ông Lê Thanh Hải (bìa phải) - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - trao đổi với đại diện các bộ, ngành trung ương
 
Trước việc TP kiến nghị trung ương phân cấp mạnh để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền trên 4 lĩnh vực (ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tài chính công; bộ máy tổ chức và nhân sự; các nội dung quản lý nhà nước khác), ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước - Bộ Tài chính, cho biết hiện nay, TP HCM đã có đặc thù về tài chính công. Tất nhiên, những đặc thù này theo đánh giá của lãnh đạo TP HCM là chưa tạo đột biến và độ mở cho TP phát triển. Kiến nghị của TP HCM trong đề án chính quyền đô thị là quyền thu chi.
 
“Vấn đề này rất khó vì TP quyết định cách thu, ở đây là thu thuế. Nhưng việc thu thuế là do nhà nước và Quốc hội quyết định. Nếu TP HCM quyết định thì quyết định trên cơ chế gì” - ông Tuế đặt vấn đề. Để gỡ khúc mắc cho TP, ông Tuế gợi ý nếu được quyết định thu thì là thuế trực thu. Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân...

Không thể giống các tỉnh khác

Với quan điểm hoàn toàn ủng hộ đề án, đánh giá cao nỗ lực của TP HCM đã tìm tòi, nghiên cứu từ thực tiễn để cho ra đời đề án, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng quản lý một TP lớn, phức tạp và đông dân nhất nước như TP HCM mà mô hình quản lý lại giống một tỉnh nhỏ, dân ít thì đó là điều bất cập. Cho nên, cần thiết phải có mô hình mới mang tính đột phá và phù hợp. “Với mục tiêu là phục vụ nhân dân tốt nhất, TP HCM phải mạnh dạn làm chứ không nên vì cái này khó, chưa có thực tiễn mà không dám làm” - ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.

Để mô hình được hoàn thiện, ông Đặng Ngọc Tùng đặt vấn đề: Với mô hình này, công tác cải cách thủ tục hành chính có tốt hơn, người dân có bớt phiền hà hơn không? Hiệu quả quản lý có cao hơn không và chi phí quản lý hành chính tăng lên hay giảm xuống?... Nếu TP HCM chứng minh được điều này sẽ dễ dàng thuyết phục Quốc hội.

Một số băn khoăn khác về đề án chính quyền đô thị cũng được các đại biểu đặt ra. Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, ở cấp chính quyền cơ sở 13 quận, huyện không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính thì cơ quan nào đủ năng lực giải quyết các vướng mắc, nguyện vọng trực tiếp cho dân?
 
Còn ông Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề: Thay đổi mô hình quản lý mà tổ chức MTTQ và các đoàn thể không có gì đổi mới, vẫn giữ nguyên như cũ và không được đề cập vai trò tự quản của người dân trong chính quyền đô thị.
 
“Nếu làm không khéo sẽ biến MTTQ và các đoàn thể trở thành các cơ quan hành chính, khi đó sẽ quay trở lại vấn đề trước đây là làm thế nào để khắc phục việc hành chính hóa tại các cơ quan MTTQ và các đoàn thể” - ông Nguyễn Văn Hùng góp ý.

Đà Nẵng: Chính quyền đô thị nên có 2 cấp

Tại hội thảo “Góp ý đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP Đà Nẵng” diễn ra sáng 18-9, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị là nhằm 2 mục đích chính: phục vụ người dân tốt hơn và hiệu lực quản lý, điều hành xã hội tốt hơn. Các đại biểu cho rằng mô hình chính quyền đô thị chỉ nên có 2 cấp: cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: Tổ chức chính quyền đô thị phải bảo đảm tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đất đai, nhà ở, an ninh trật tự. Đặc biệt, quản lý đô thị phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.
 Q. Châu
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo