Ngày 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân. Trình bày dự án Luật Căn cước công dân, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân. Để tiến tới sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Trên thẻ căn cước có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự...
Theo dự Luật Căn cước, số định danh cá nhân (gồm 12 số tự nhiên, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác) được sử dụng làm số thẻ căn cước công dân. Đặc biệt, dự thảo luật quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 15 tuổi, ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013. Dự luật cũng đề xuất chậm nhất từ ngày 1-1-2020, các địa phương phải thực hiện thống nhất theo quy định mới.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn việc các nước cấp căn cước như thế nào, có cấp ngay từ khi sinh ra không? Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết đa số các nước cấp căn cước từ sau 14 tuổi. Chỉ có vài quốc gia cấp từ khi trẻ ra đời. Ông Đinh Trung Tụng cho rằng đăng ký giấy khai sinh vẫn cần thiết trong đời người. Tuy nhiên, sau này, khi cấp, trên giấy khai sinh sẽ ghi số định danh cá nhân.
Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương nghi ngại: “Nếu 90 triệu công dân đều phải đổi sang thẻ căn cước sẽ rất tốn kém và lãng phí”. Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn trấn an: “Giấy chứng minh nhân dân vẫn sử dụng bình thường cho tới khi hết hạn mới phải đổi. Tất nhiên, nếu công dân có nhu cầu cấp đổi ngay cũng được và sẽ không mất phí...”.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhìn nhận mỗi công dân sinh ra phải được ghi nhận bằng thẻ căn cước để thay thế cho giấy khai sinh. Thông số, dữ liệu có thể cập nhật trong những lần cấp đổi sau này nên không lo tốn kém. Giấy khai sinh trong giai đoạn mới sẽ không còn phù hợp nữa.
Tán đồng, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Mỗi người khi sinh ra nên được cấp ngay căn cước và mã số định danh cá nhân. Còn về nhận dạng, sau này khi đứa trẻ đủ 15 tuổi sẽ bổ sung vân tay, ảnh”. Bà Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ thêm khi có Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân sẽ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh...
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về Luật Hộ tịch. Dự thảo Luật Hộ tịch quy định việc cấp số định danh cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý nhà nước.
Bình luận (0)