Để đưa ra kết luận trên, thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ GTVT đã có chuyến kiểm tra tuyến đường này trong vòng… 1 ngày. Tạm tính, tuyến đường dài mấy trăm cây số, chỉ cần đi ô tô hết tuyến với vận tốc vừa phải thôi cũng đã mất cả ngày, nói gì đến kiểm tra. Chóng vánh như thế mà thứ trưởng phát hiện và nắm được chính xác “diện tích đường hư nằm trong khoảng 0,18%-0,2%” (!?), trong khi “Bộ GTVT chấp nhận diện tích đường hư dưới 3%; nếu trên 3% thì buộc phải truy trách nhiệm đến cùng. Tuy nhiên, ở đây dưới 2%...”.
Cả một đoàn kiểm tra từ Hà Nội bay vào, chỉ trong một ngày mà đã có kết luận về tuyến QL dài mấy trăm cây số với vốn xây dựng cả chục ngàn tỉ đồng thì thật tài! Mà nguyên nhân cụ thể khiến QL hư hỏng cũng không thấy đưa ra. Việc khắc phục như thế nào; về lâu dài chất lượng liệu có được bảo đảm; trách nhiệm của các đơn vị thi công, giám sát… cũng không được nhắc tới. Nếu chỉ thuần là đến để nghe các đơn vị báo cáo thì đâu nhất thiết phải lập cả đoàn kiểm tra, vào tận hiện trường chi cho tốn kém. Các nhà thầu thi công tuyến QL 1 nói trên thì đã biết trước về chuyến kiểm tra này nên những ngày qua cật lực tung người dặm vá khắp nơi.
Câu chuyện đường vừa làm đã hỏng xảy ra khá phổ biến ở nước ta và chẳng mấy khi truy được trách nhiệm của những người liên quan. Cách đây không lâu, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với vốn đầu tư hơn 30.000 tỉ đồng sau khi được các cơ quan chức năng rầm rộ kiểm tra và cho thông xe thì xuất hiện vết nứt dài đến 73 m. Chỉ đến khi đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT kiểm tra thì mới xử lý các đơn vị thi công.
QL tuyến Uông Bí - Hạ Long với tổng vốn đầu tư 2.800 tỉ đồng cũng được các cơ quan chức năng “giám sát chặt chẽ” và khánh thành vào ngày 18-5-2014 nhưng chỉ tuần sau đã xuất hiện vết nứt, lún nghiêm trọng, nhà thầu được cho thời gian khắc phục và mọi chuyện lại đâu vào đấy…
Trở lại câu chuyện về chuyến thị sát của thứ trưởng Bộ GTVT. Vẻ như chuyến kiểm tra này giống “cưỡi ngựa xem hoa”, có cũng được, không có cũng chẳng sao bởi nếu muốn rõ thực hư về chất lượng của một công trình giao thông cỡ này thì cần phải có các cơ quan chuyên môn cùng vào cuộc. Toàn bộ quy trình thực hiện tuyến QL phải được rà soát kỹ càng. Chất lượng vật liệu cần phải được kiểm tra lại và đặc biệt là “soi” kỹ phương án thi công… Hời hợt trong kiểm tra những công trình thế này thì hậu quả người dân gánh đủ. Nếu chất lượng công trình có vấn đề thì họ lại nai lưng đóng thuế để trong thời gian không lâu phải tiếp tục sửa chữa.
Trước chuyến kiểm tra của Bộ GTVT, người dân rất lo. Sau chuyến kiểm tra, càng lo hơn, thậm chí cảm thấy hoang mang bởi thảo dân thì làm sao mà biết đường hư cỡ nào thì trong (hay vượt) mức cho phép, nghe quan chức nói thì chỉ biết tin thế thôi…
Bình luận (0)