Không cần tìm những điều cao xa, chỉ cần nhìn vào chuyện chính quyền vận động được hàng vạn tỉ đồng để giúp dân thoát nghèo, nhìn vào việc người dân giúp nhau vượt qua khó khăn... là đủ thấy mục tiêu trên không hề xa vời.
Như trong cổ tích
Nhận bằng khen từ tay Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, chị Hàng Thị Nguyệt (ngụ phường 15, quận 5) rạng rỡ, hạnh phúc. “Nhớ đến cảnh nghèo khổ ngày trước, tôi không dám nghĩ có ngày mình được tuyên dương gương điển hình thoát nghèo từ sự giúp đỡ nghĩa tình của chính quyền” - chị Nguyệt xúc động.
Hồi đó, chồng chị Nguyệt bị bệnh phổi, sức khỏe giảm sút nên không thể đi làm như bao người đàn ông khác. Cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào đồng lương làm công ít ỏi của đứa con lớn và công việc phụ việc nhà của chị. Trong lúc gia đình chị Nguyệt chưa biết xoay xở thế nào để có tiền cho 2 đứa con út học hành thì chị đã nhận được khoản vay xóa đói giảm nghèo của phường nhờ sự làm việc, suy xét thấu đáo của những người trong ban giảm nghèo.
Ông Lý Châu Hùng, chồng chị Hàng Thị Nguyệt, chăm chỉ làm việc bên chiếc máy tiện
Có ít vốn liếng, chị Nguyệt bàn với chồng mua máy tiện để anh làm gia công, nhờ đó thu nhập gia đình chị tăng lên đáng kể. Bản thân chị Nguyệt nhận thêm việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Vào thời gian rảnh ban đêm, chị nhận hàng về nhà gia công để tăng thu nhập. Con trai lớn ngoài giờ đi làm cũng được chính quyền hỗ trợ để học nghề điện miễn phí tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương.
Rồi chị kể: Không chỉ giúp đỡ chuyện công việc, quận còn hỗ trợ 40 triệu đồng để sửa chữa nhà. Chưa hết, đều đặn mỗi năm, 2 con chị Nguyệt đều được nhận học bổng Nguyễn Hữu Thọ, được cấp thẻ BHYT.
Chị Nguyệt thẳng thắn: “Bản thân mình cố gắng là chuyện tất nhiên nhưng nếu không có sự giúp đỡ, đốc thúc vươn lên của chính quyền thì cuộc chiến chống cái nghèo chắc còn gian nan lắm. Những khoản vay nhỏ, khoản học phí được miễn giảm cho con cái, những suất học bổng... đã trở thành điểm tựa cho người nghèo khi họ chẳng còn nơi bấu víu”. Giờ đây, chị Nguyệt có thể nói đã mãn nguyện khi các con được ăn học đàng hoàng. “Một đứa chuẩn bị tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP, một đứa vừa đậu vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Còn đứa lớn nhờ học nghề mà tay nghề vững vàng, thu nhập khá” - chị Nguyệt phấn khởi.
Cách nhà chị Nguyệt không xa, cái nghèo cũng bị gia đình bà Đường Hươu Lan đẩy lùi. Nghĩ đến thời gian cả nhà 7 người làm tối mắt cũng không đủ ăn, bà cho biết: “Khổ không thể tả! Chồng tôi có nghề sửa điện nhưng lại ốm yếu, thu nhập không ổn định. Tôi không có nghề ngỗng gì, ai kêu gì làm nấy nên thu nhập cũng bấp bênh. Kinh tế càng chật vật khi con trai lớn lập gia đình và sinh con”.
Được hướng dẫn của chính quyền, bà Lan quyết định vay 50 triệu đồng để con trai đi xuất khẩu lao động với mức lương khoảng 18 triệu đồng/tháng. Chồng bà được địa phương giới thiệu nhiều mối làm ăn để tiếp tục công việc sửa điện, còn bà có thêm việc gia công ốc vít.
“Cái nghèo đã không còn bủa vây gia đình tôi nữa rồi” - bà Lan cười nói.
Những tấm lòng cao đẹp
Đồng hành với người nghèo phải kể đến bà Trịnh Thị Thu Hiền, ngụ phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Bà Hiền “đầu tư” con chữ cho những học sinh nghèo vì theo bà phải có tri thức mới thay đổi được cuộc sống của mình.
Hơn 9 năm qua, gia đình bà Hiền đã hỗ trợ hơn 100 suất học bổng với số tiền hơn 200 triệu đồng để “chắp cánh” tri thức cho học trò nghèo. Càng phục hơn khi bà tìm cách để giúp các em học thêm mà không tốn tiền. “Sợ các em bỏ học giữa chừng vì nản nên tôi nhờ bạn bè là giáo viên phụ đạo thêm. Có nhiều em học yếu, phải phụ đạo cả năm trời mới được điểm trung bình. Để giúp được cho các em, mình phải kiên trì dữ lắm” - bà Hiền bộc bạch.
Ngoài lo chuyện học hành, bà Hiền còn lo cả việc làm cho các em. Nhà bà có xưởng cơ khí, luôn sẵn sàng nhận đào tạo nghề. “Tháng 8 vừa rồi, nhiều em nhận học bổng của tôi đã tốt nghiệp ĐH, có việc làm ổn định, giúp gia đình của mình” - bà Hiền nói mà không giấu được niềm vui khi làm việc có ích.
Ông Trần Đình Nam - tổ trưởng tự quản giảm nghèo số 3, khu phố 2, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú - kể: Có lần, đến hộ nghèo chị Nguyễn Thị Bông, tôi thấy nhà có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có mỗi cái máy may cũ kỹ để kiếm sống. Thế là tôi giúp chị vay 10 triệu đồng để làm ăn.
Có tiền nhưng chị Bông không biết xoay xở sao để vừa mua được máy may vừa mua được xe cho chồng chạy xe ôm. Thế là ông Nam lại chạy quanh để giúp. “May mắn sao tôi tìm được chỗ bán xe máy và máy may hết 8 triệu đồng. Còn 2 triệu đồng tôi bảo chị Bông dùng làm vốn mua nguyên phụ liệu. Tôi cũng xin một chỗ ở chợ để chồng chị làm bến chạy xe ôm” - ông Nam kể và thổ lộ thêm: “Tôi thấy vui lắm khi giúp được gia đình chị Bông. Càng vui hơn khi gia đình chị đã thoát nghèo, công việc làm ăn cũng ngày càng khấm khá”.
Câu chuyện về lòng nghĩa hiệp của người dân TP còn được kể thông qua rất nhiều cái tên. Nào là chị Hương đã không màng đến chuyện gia đình để lo cho trẻ em nhà nghèo đến được trường; nào là ông Hùng đã dành nửa phần lương hưu để giúp sức cho một hộ nghèo thoát hiểm ròng rã 5 năm trời...
“Thật ý nghĩa khi nhiều người dân dành một phần lương, thu nhập để giúp người nghèo, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo. Họ thầm lặng giúp đỡ, không muốn nêu tên hay được trả ơn hoặc khen thưởng” - ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP, đánh giá.
Cũng theo ông Hải, qua chương trình giảm nghèo, tính cộng đồng ngày càng được mở rộng, quan hệ gắn bó, sống có trách nhiệm với nhau trong các cộng đồng dân cư được vun đắp, tô bồi.
Kỳ tới: Hiểu người để giúp người
Những con số biết nói
Từ năm 2009 đến ngày 31-8-2015, tổng nguồn vốn huy động trực tiếp cho chương trình giảm nghèo của TP là hơn 4.250 tỉ đồng, trong đó vốn chi không hoàn lại là hơn 1.380 tỉ đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2015, tổng nguồn vốn huy động tăng thêm hơn 640 tỉ đồng. TP cũng mua và cấp 397.988 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo.
Nếu tính tổng cộng 23 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, TP HCM đã huy động được 7.136,218 tỉ đồng, trong đó 3.414,499 tỉ đồng là từ sự đóng góp của dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, TP còn thực hiện nhiều chương trình xã hội từ thiện bằng công sức hoặc hiện vật ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp tận tay hộ nghèo.
“Đây là một cách làm hay, một minh chứng sinh động về tính nhân văn cao đẹp của chương trình giảm nghèo mang lại. Đó chính là biết khơi dậy sức dân để chăm lo cho dân nghèo” - Phó Chủ tịch UBND TP, ông Hứa Ngọc Thuận, đánh giá.
Bình luận (0)