Cũng tại tỉnh này, chủ trương về việc sơn tàu màu trắng ban hành không được các chủ tàu ủng hộ. Nhiều chủ tàu cho biết những con tàu màu trắng đã từng có mặt trên vịnh Hạ Long từ hàng chục năm trước song đã sớm bị “đào thải tự nhiên” vì không phù hợp với đặc thù tàu gỗ như dễ bẩn, dễ rạn sơn, lộ chân đinh và trông nhếch nhác khi sử dụng. Hơn nữa, khách nước ngoài đến vịnh Hạ Long với mong muốn được thấy những gì của Hạ Long khác với nơi họ sống, chứ không để thấy những con tàu na ná tàu du lịch ở đất nước họ.
Để phát triển ngành du lịch, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của DN trong việc làm ăn nghiêm túc, sáng tạo và hiệu quả mà còn rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và người dân địa phương. Vịnh Hạ Long là một trong những kỳ quan thế giới, thu hút nhiều du khách đến với Việt Nam cần phải có diện mạo tương xứng, cách ứng xử với di sản thiên nhiên phù hợp cũng như giữ gìn môi trường du lịch sạch đẹp, an toàn và tạo những sản phẩm du lịch độc đáo để khách còn trở lại, đến với Việt Nam nhiều hơn.
Sự thay đổi mức giá tham quan không chỉ “đánh” vào từng DN kinh doanh du lịch mà còn làm cho du khách không vui khi phải mất thêm tiền trong khi chất lượng dịch vụ và những bảo đảm khác không được duy trì tương xứng. Đây cũng là một lối tư duy “ngắn hạn”, thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài.
Giữ khách ở lại với tình cảm thương mến nơi vùng đất họ ghé chân qua cách ứng xử, qua cảnh quan và phục vụ mới là điều cần làm và dù khó khăn vẫn nên hết sức làm. Còn làm ngược lại, dĩ nhiên là quá dễ và cũng sẽ dễ thấy hậu quả nhãn tiền, du khách đến rồi đi, không hẹn ngày trở lại...
Bình luận (0)