Sau 6 năm, mới hoàn thành được 23 km đường bộ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Để ngăn chặn những vụ tai nạn kinh hoàng như vụ cháy xe khách ở Bình Thuận làm 10 người chết và hơn 20 người bị thương mới đây thì đường bộ cao tốc Bắc - Nam là một trong những giải pháp khả thi.
Giấc mơ năm 2020
Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt ngày 21-1-2010, có chiều dài 1.811 km, tổng mức đầu tư 312.862 tỉ đồng, chạy gần như song song với Quốc lộ 1A hiện tại.
Điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Vành đai 3 - TP Hà Nội giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) và điểm cuối là khu vực nút giao Chà Và, phía Bắc của dự án cầu Cần Thơ.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam nằm ở hành lang phía Đông được xác định có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải khác nhằm nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.
Vốn đầu tư xây dựng tuyến đường huyết mạch này được huy động từ các nguồn như ngân sách Nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay; các nhà đầu tư huy động để xây dựng theo hình thức BOT, BTO, BT, PPP (hợp tác Nhà nước - tư nhân).
Chưa biết đến bao giờ…
Ngày 13-11, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Bộ GTVT thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác 23 km, đoạn từ Cầu Giẽ (Hà Nội) đến Quốc lộ 21 (Hà Nam).
Sau gần 6 năm kể từ ngày khởi công (tháng 1-2006), đoạn đường này mới chỉ hoàn thành được khoảng 40% và chậm tiến độ 3 năm (dự kiến ban đầu là năm 2008 thông xe 50 km). Câu chuyện muôn thuở tiếp tục tái diễn là thiếu vốn, giải phóng mặt bằng ách tắc.
Theo Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), dự kiến đến tháng 6-2012 dự án sẽ hoàn thành với điều kiện thu xếp đủ vốn và hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo VEC cho biết dự án được thực hiện chủ yếu bằng vốn trái phiếu công trình nên việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn do biến động giá cả, lãi suất…
“Dự án còn thiếu khoảng 2.500 tỉ đồng. Do đó, việc hoàn thành cả tuyến sẽ là mục tiêu quá lớn và hết sức nan giải” - ông Trần Xuân Sanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC, nói.
Về góp ý của các chuyên gia tài chính quốc tế là nên áp dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng, đại diện VEC cho rằng không khả thi vì phần lớn đất “đẹp” ở các địa phương nơi tuyến đường chạy qua đều đã có chủ.
Cần đột phá về thu hút đầu tư
Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và chuẩn bị các dự án đường cao tốc, đặc biệt là tuyến Bắc – Nam, trong quy hoạch phát triển mạng cao tốc quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu rõ cơ cấu vốn để xây dựng đường cao tốc gồm nhiều nguồn như: ngân sách Nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình, do các nhà đầu tư huy động để đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức...
Tuy nhiên, hiện việc đầu tư cho các dự án đường cao tốc theo hình thức BOT đạt hiệu quả tài chính không cao, khó có khả năng hoàn vốn, trong khi thu hút đầu tư theo hình thức PPP được xem là giải pháp khả thi nhưng lại thiếu khung pháp lý.
Trên diễn đàn Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đưa giải pháp dùng chính sách “lấy đất đổi hạ tầng” và chia nhỏ tuyến ra thành nhiều đoạn để thu hút nhà đầu tư.
Ông Thanh kiến nghị nên cho dự án kéo dài tới 50 năm, thậm chí 80 năm, thay vì 30 năm như hiện nay, miễn là không còn cảnh ùn tắc và tai nạn giao thông chết người triền miên trên Quốc lộ 1A.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt mạng lưới đường bộ cao tốc, là nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia.
Do vậy, cần phải có cơ chế đột phá cả về huy động vốn, tổ chức triển khai lẫn cơ chế giải phóng mặt bằng để sớm đầu tư và hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc, đặc biệt là tuyến Bắc - Nam.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhìn nhận việc xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam là rất cần thiết nhưng phải đổi mới, điều chỉnh hàng loạt cơ chế, chính sách và bộ này sẽ tham mưu với Chính phủ giải pháp phù hợp.
Những vụ tai nạn kinh hoàng trên Quốc lộ 1A
- Trưa 6-3-2004, 6 học sinh lớp 10 chết tại chỗ, 16 em bị thương nặng sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Km 1899 + 100 trên Quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom - Đồng Nai.
- Sáng 29-7-2006, một xe chở container húc vào xe tải chạy ngược chiều trên Quốc lộ 1A (xã Cát Tân, huyện Phù Cát - Bình Định) làm một xe bốc cháy, cả 2 lái xe tử vong.
- Sáng 21-9-2008, trên Quốc lộ 1A (xã Diễn An, huyện Diễn Châu - Nghệ An), xe khách đã tông vào một xe container chạy ngược chiều làm 16 người chết.
- Trưa 31-8-2010, xảy ra va chạm giữa xe tải và xe khách trên Quốc lộ 1A (Hà Tĩnh) làm 2 người chết và 24 người bị thương nặng.
- Đêm 29-5-2011, ô tô 50 chỗ lật ngang trên Quốc lộ 1A (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam - Ninh Thuận) làm 4 người chết và 41 người bị thương.
- 2 giờ ngày 7-11-2011, một vụ va chạm kinh hoàng giữa xe khách và xe container trên Quốc lộ 1A (Bình Thuận) làm cả hai xe bốc cháy, 10 người chết tại chỗ, 22 người bị thương nặng. |
Bình luận (0)