Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa phê duyệt đề án “Xây dựng các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên hệ thống đường bộ cao tốc”. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc ký hợp đồng với những đơn vị cung cấp dịch vụ cứu hộ, cứu nạn thường trực 24/24 giờ, từng bước thành lập các trạm cứu hộ, cứu nạn trên đường.
Không kịp cứu nạn
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển GTVT, cho biết hiện cả nước có 13 tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác với tổng chiều dài 745 km. Dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng hơn 2.000 km đường cao tốc. Tuy nhiên công tác quản lý, khai thác và bảo đảm ATGT trên các tuyến đường cao tốc vẫn còn nhiều bất cập.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, trong năm 2015, trên các tuyến cao tốc đã xảy ra 407 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 35 người, bị thương 178 người, chiếm gần 13% các vụ TNGT đường bộ. TNGT trên đường cao tốc tuy ít hơn so với quốc lộ nhưng mức độ rất nghiêm trọng.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng vấn đề ứng cứu, giải tỏa ùn tắc giao thông rất cấp thiết. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định công tác cứu hộ, cứu nạn đã đầy đủ, quan trọng là cần tổ chức triển khai thực hiện.
“Công tác cứu hộ hiện nay không duy trì một lực lượng độc lập mà ký hợp đồng với các trạm cứu hộ tại các khu vực lân cận thực hiện khi có sự vụ xảy ra với ràng buộc về thời gian có mặt tại hiện trường” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, hệ thống cứu hộ hiện nay đa số thuộc các doanh nghiệp (DN) tư nhân. Những DN này chủ yếu chỉ đầu tư những phương tiện thi công cơ giới như xe ủi, xe xúc, xe cẩu hạng nhẹ. Với những trường hợp xe trọng tải lớn bị nạn thì công tác cứu hộ chưa thể triển khai kịp thời, từ đó dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, gây thiệt hại nhiều hơn.
Năm 2013, Thủ tướng đã phê duyệt đề án cấp cứu TNGT trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 và giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện. “Đến nay, việc này vẫn chưa được triển khai mà chủ yếu dựa vào các cơ sở y tế sẵn có của các địa phương dọc tuyến cao tốc. Nhiều nơi trung tâm y tế rất xa đường cao tốc, khi xảy ra TNGT sẽ không đến kịp” - ông Tuấn băn khoăn.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Chia sẻ về các giải pháp quản lý đường cao tốc, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho rằng các tuyến cao tốc do VEC quản lý đều bảo đảm tiêu chuẩn 50 km có một trạm cứu hộ, cứu nạn. Các trạm này luôn duy trì trực 24/24 giờ, bảo đảm cứu hộ, cứu nạn trong vòng 30 phút. Một số vị trí VEC không thực hiện trực tiếp mà ký hợp đồng dịch vụ với các đối tác trên tuyến. Tuy nhiên, tất cả các trạm đều phải bảo đảm tiêu chuẩn, nếu không sẽ bị xử phạt hoặc không ký tiếp hợp đồng.
“Để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, nâng cao trình độ xử lý của lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ cũng như hoàn thiện khả năng phối hợp giữa các đơn vị liên quan, cần có quy định cụ thể về tập huấn, diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc. Việc này sẽ giúp các DN nâng cao chất lượng nhân lực và thiết bị để thực hiện hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn” - ông Nhi đề xuất.
Đối với vấn đề này, ông Vũ Anh Tuấn đề nghị Bộ Y tế cần nhanh chóng triển khai đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp, để hoàn thành mục tiêu đề án đưa ra, nên đầu tư xây dựng mạng lưới cấp cứu dọc các tuyến cao tốc theo hình thức xã hội hóa như BOT, BT. “Ngoài ra, vì đây là việc làm với mục đích nhân đạo, chính quyền nên có chính sách hỗ trợ như ưu tiên trong cấp đất hay có miễn thuế” - ông Tuấn nêu ý kiến.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Là DN đã mạnh dạn thực hiện dịch vụ cứu hộ giao thông, ông Bùi Xuân Duyên, Giám đốc Cứu hộ 116, khẳng định sẵn sàng tham gia nếu mạng lưới cấp cứu đường cao tốc được thực hiện theo mô hình xã hội hóa. Nhà nước hỗ trợ DN bằng cơ chế, chính sách để DN có thể phát huy được tiềm năng, thế mạnh đầu tư cơ sở vật chất.
“Chúng tôi đã rất khó khăn khi tiếp cận hiện trường một số vụ tai nạn xảy ra trên đường Vành đai 3 bởi ách tắc kéo dài. Không chỉ trên đường cao tốc mà trên các tuyến đường khác, nếu chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho DN cứu hộ có điểm đỗ xe phù hợp và phân tán mật độ giao thông thì công tác cứu hộ sẽ hiệu quả hơn” - ông Duyên góp ý.
Bình luận (0)